Khá lâu tôi mới lại có dịp chạy xe vô đường Đặng Thái Thân, con đường chạy song song với bờ thành phía sau của Đại Nội Huế. Thời xe cộ đang ít, đường sá còn đi lại tự do thì từ đây về nhà bao giờ tôi cũng cho xe rẽ ra đường Đoàn Thị Điểm, con đường tuyệt đẹp và râm mát bởi đôi hàng cây xanh như cụng đầu vào nhau, đến đường 23/8 thì có thể ra khỏi Thành nội theo hướng cửa Ngăn hoặc cửa Thượng Tứ. Sau này quy định cửa nào được ra, cửa nào được vào, đường lưu thông 1 chiều… thì rẽ phải vào đường Đoàn Thị Điểm, cỡ chừng vài ba chục mét thì quẹo trái vô Mai Thúc Loan, xong lại quẹo phải vào Đinh Tiên Hoàng để ra cửa Thượng Tứ.
Sau này mới vỡ lẽ là mình chạy liều, đường Đoàn Thị Điểm bị cấm lưu thông theo chiều bắc-nam ngay từ điểm giao cắt với đường Đặng Thái Thân. Có nghĩa là xe từ phía Đặng Thái Thân đến đây, tất cả bắt buộc phải rẽ trái rồi tìm đường mà ra ngõ Đinh Tiên Hoàng, Mai Thúc Loan, Đặng Dung… tùy theo nhu cầu. Còn nếu cứ theo “quán tính”, rẽ phải để sau đó quẹo vào Mai Thúc Loan là xem như “dính chưởng”, là phạm luật. Và rất…vui là số người “dính chưởng” vô cùng nhiều. Lý do là dù có biển báo, nhưng thực tế bà con ta nhiều người lại chẳng hiểu biển báo kia nó “nói” cái gì. Đó là thực tế, nhất là đối với bà con đi xe máy. Thế nên dính. Một lý do nữa là biển báo cấm cắm ở đầu nút giao từ Đặng Thái Thân rẽ vào Đoàn Thị Điểm nên nó rất đột ngột với người chạy xe. Tâm lý sắp đến chỗ rẽ thì phải lo để ý có xe cộ chi mà xử lý, ít ai nghếch đầu xem biển báo bởi sẽ phân tâm, rất nguy hiểm. Mà không xem biển báo thì dẫn đến vi phạm. Trừ phi người sống trong khu vực, hoặc thường xuyên qua về nơi đây, được cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực lưu ý hướng dẫn, nhắc nhở một thời gian đầu, hết giai đoạn nhắc nhở thì mới phạt, thì mới biết và quen dần để không vi phạm. Còn “khách vãng lai” thì vì lý do như trên đã nói, nên khối người dính là điều dễ hiểu.
Một người anh của tôi là thượng tá công an, cũng người Huế, chạy xe đến đây không để nên cũng bị đồng nghiệp tuýt còi. Sau đó anh gọi điện tâm sự với tôi, bảo nhà báo phải lên tiếng, phạt cũng được nhưng thời gian đầu nên có lực lượng chốt và hướng dẫn cho người dân đã. Bản thân anh cũng không biết rằng động thái này đã từng được thực hiện trước đó rồi. Bây giờ là đến giai đoạn người đi đường phải để ý và tự giác chấp hành, bởi không thể có lực lượng nào chốt và hướng dẫn vô thời hạn cả. Nhưng chấp hành thì chấp hành, mà vi phạm thì cũng…vô kể vì lý do khách quan như trên đã đề cập. Nhiều người ấm ức, lẽ ra nên cấm ngay đầu đường Đoàn Thị Điểm, từ ngã ba giao với đường Mai Thúc Loan thì hợp lý hơn. Bởi như thế sẽ tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông ra phía Mai Thúc Loan thuận lợi, lại cũng dễ quan sát biển báo khi từ phía Đặng Thái Thân rẽ tới, biển báo sẽ nằm ngay đối diện, dễ cho mọi người nhìn thấy để chủ động xử lý, chấp hành.
Trở lại trường hợp của tôi hôm vừa rồi, khi đến ngã ba Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, tôi ngoan ngoãn rẽ trái hướng về đường Nhật Lệ trước khi rẽ ra Đinh Tiên Hoàng. Chú em ngồi sau lưng tôi ngạc nhiên: “Sao anh không rẽ phải, ra Mai Thúc Loan cho gần?”; “Công an phạt á, lối ấy cấm”; “Gỡ rồi anh ơi, bữa nay đến ngã ba Mai Thúc Loan mới cấm, anh quá lạc hậu rồi!”; “Vậy à, lâu quá không qua đây, đúng là lạc hậu thiệt”. Vừa nói, tôi vừa cho xe vòng lại, không phải để tranh thủ thêm tí đoạn đường mà để mục kích thực tế biển báo nó thế nào. Và đúng như chú em tôi nói, cái biển cấm đi ngược chiều đã được dời đến đầu đường Đoàn Thị Điểm, gần chỗ giao cắt với đường Mai Thúc Loan. Quá hợp lý và quá đáng hoan nghênh.
Như vậy là cơ quan chức năng đã lắng nghe phản ánh của người dân, đã điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Sự điều chỉnh này vừa giúp trật tự lưu thông trên tuyến đường Đoàn Thị Điểm được đảm bảo, nỗi ấm ức, bức xúc của người dân được giải tỏa, mà công việc lực lượng chức năng cũng được giảm tải để điều phối cho những vị trí trọng điểm, cần quan tâm hơn. Chợt nghĩ, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, biết lắng nghe, tiếp thu và hiệu chỉnh phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì sẽ thật tốt và hiệu quả cho công việc rất nhiều.