Cơ sở quân sự Israel bị Hezbollah tấn công bằng tên lửa Almas, vốn được Iran sao chép từ dòng Spike của Tel Aviv bằng kỹ thuật đảo ngược.
Lực lượng Hezbollah tại Lebanon ngày 26/1 đăng video phóng tên lửa vào một “cơ sở do thám” của quân đội Israel gần biên giới giữa hai nước. Video được quay bằng camera gắn trên quả đạn, cho thấy tên lửa được phóng về một cơ sở có nhiều tháp cao ở trên núi, sau đó lao thẳng vào cấu trúc hình mái vòm.
Dựa vào thông tin trong video, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định quả đạn mà Hezbollah sử dụng trong vụ tập kích là dòng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Almas của Iran. Điều đặc biệt là vũ khí này được Tehran chế tạo bằng cách sao chép dòng ATGM Spike do chính Israel sản xuất.
“Lực lượng Hezbollah thu được một số tên lửa Spike trong cuộc xung đột với Israel hồi năm 2006 và chuyển chúng cho Iran. Nước này sau đó ứng dụng kỹ thuật đảo ngược để phát triển tên lửa Almas”, chuyên gia này cho hay.
Được ra mắt vào những năm 1980, Spike là dòng ATGM được trang bị đầu nổ HEAT liều kép để đối phó thiết giáp trang bị giáp phản ứng nổ hoặc các mục tiêu kiên cố khác. Loại tên lửa này có thể được khai hỏa từ trực thăng, phương tiện cơ giới, tàu chiến hoặc ống phóng do kíp bộ binh mang vác.
Phiên bản lớn và có tầm bắn xa nhất hiện nay là Spike NLOS với tầm bắn 32 km khi phóng từ mặt đất và 50 km nếu khai hỏa từ trực thăng bay cao.
Vào thời điểm ra mắt, tên lửa Spike được đánh giá cao nhờ khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng (LOAL), cho phép nó có thể tấn công mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn thẳng như vật thể ẩn nấp sau vật cản, cũng như thay đổi mục tiêu khi đang bay.
Phần lớn các biến thể của Spike được kết nối với trắc thủ thông qua sợi dây cáp mỏng gắn ở đuôi tên lửa, trong khi các phiên bản khác, như dòng tăng tầm Spike NLOS, sử dụng đường truyền dữ liệu không dây để tiếp nhận thông tin từ người khai hỏa.
Theo Rogoway, tên lửa Almas được Iran công bố lần đầu năm 2021, sở hữu nguyên lý hoạt động y hệt dòng Spike và có nhiều phiên bản khác nhau, gồm loại cầm tay, phóng từ phương tiện mặt đất hoặc khai hỏa ở trên không.
“Vũ khí như Almas sẽ là thách thức đặc biệt với quân đội Israel, do nó có thể tấn công các mục tiêu mà ATGM truyền thống không làm được, như tháp quan sát gắn đầy cảm biến ở trong video”, Rogoway nhận định.
Hezbollah là lực lượng kiểm soát một phần thủ đô Beirut, miền nam Lebanon và phần lớn thung lũng Beqaa. Tổ chức này còn có đại diện chính trị, giữ ghế trong nghị viện Lebanon và vài năm qua còn cùng đồng minh kiểm soát một số bộ, ngành chính phủ nước này. Lực lượng Hezbollah được cho là sở hữu sức mạnh quân sự khá hiện đại, “thiện chiến” hơn nhiều nhóm vũ trang khác ở Trung Đông, nhờ được Iran hậu thuẫn về vũ khí.
Hezbollah thường xuyên tập kích lãnh thổ Israel sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát tháng 10/2023, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hamas, đồng minh của nhóm vũ trang. Quân đội Israel cũng nhiều lần tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon nhằm đáp trả động thái quân sự của nhóm.
Hơn 190 người tại Lebanon đã thiệt mạng sau các vụ tập kích của Israel, trong đó có khoảng 140 thành viên Hezbollah. Giới chức Israel cho biết 15 người nước này thiệt mạng trong các vụ giao tranh với nhóm vũ trang ở miền bắc, gồm 9 binh sĩ và 6 dân thường.
Phạm Giang (Theo Drive, Defence Post)