Rừng trên đất trồng cây hàng năm
Những loại cây lạc, đậu, khoai.. đã gắn bó trên những cánh đồng sản xuất hoa màu quen thuộc bao đời nay. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu khiến việc sản xuất bấp bênh, diện tích nhỏ, manh mún, cho hiệu quả không như mong muốn, một bộ phận người dân sử dụng đất đã chuyển sang trồng cây lâm nghiệp trong thời gian gần đây.
Tại Khu kinh tế mới Nam Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngút ngàn màu xanh của keo lá tràm. Được biết, những diện tích này thuộc dự án khai hoang xây dựng đồng ruộng bằng nguồn ngân sách nhà nước từ năm 2001. Nhiều năm nay, các hộ được giao khoán đã bỏ sản xuất hoa màu, chuyển sang trồng cây keo lá tràm vì cho rằng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn tại huyện Vũ Quang, nhiều diện tích đất chạy dọc sông Ngàn Sâu thuộc địa phận xã Hương Minh, trước đây vốn là đất sản xuất hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế nhưng nay cũng biến thành rừng keo. Những xã có đất trồng cây hàng năm bị người dân “quy hoạch” thành đất lâm nghiệp trên địa bàn như xã Đức Bồng, Sơn Thọ…
Theo ông Đoàn Ngọc Lương, Chủ tịch UBND xã Hương Minh, huyện Vũ Quang cho hay, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vũ Quang có nhiều đặc điểm khác biệt so với các địa phương khác. Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi gặp nhiều hạn chế nên người dân tự ý chuyển sang trồng cây keo trên đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khi thấy không hiệu quả.
Tình trạng trên cũng diễn ra khá “nóng” tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn… Những cánh rừng keo xanh ngút ngàn nằm xen kẽ, liền kề với các cánh đồng sản xuất hoa màu trở nên phổ biến tại hầu hết các địa phương.
Và những hệ lụy
Thực tế cho thấy, nhiều vùng đất sản xuất cây hàng năm nhưng người dân tự chuyển đổi sang trồng cây keo trong thời gian dài đều có biểu hiện khô cằn, nghèo chất dinh dưỡng. Bà Trương Thị Triền ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên có đất sản xuất hàng năm chuyển sang trồng keo, than vãn: Đất được giao vốn được dùng sản xuất hoa màu, do lực lượng lao động khó khăn nên gần đây gia đình chuyển sang trồng keo. Sau một lứa keo thu hoạch, việc quay trở lại sản xuất cây trồng hàng năm không còn hiệu quả, năng suất bị giảm sút. Có thể do trồng keo khiến cho đất trở nên cằn cỗi.
Không chỉ làm thoái hóa đất, việc trồng cây keo trên đất trồng cây hàng năm như hiện nay còn ảnh hưởng đến quá trình xác nhận hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Hà Huy Phú, ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên cũng phản ánh: Hơn 10.000 m2 diện tích đất được nhà nước giao khai hoang của gia đình từ năm 2001, mục đích sản xuất đồng ruộng và sử dụng ổn định đến năm 2015. Cũng vì lý do lực lượng lao động của gia đình hạn chế nên đã chuyển sang trồng keo cho đỡ công.
“Khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình được thẩm định cấp giấy cho mục đích trồng cây lâm nghiệp dựa trên cơ sở hiện trạng sử dụng. Cũng vì lý do này, khi Dự án làm đường cao tốc Bắc- Nam đi qua, phần đất bị thu hồi của gia đình chỉ được bồi thường theo giá đất lâm nghiệp, không phải đất ruộng lúa đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn”, ông Phú nói.
Thực trạng trên đang xẩy ra với nhiều hộ dân nhưng khi được hỏi thì hầu hết thừa nhận do thiếu hiểu biết pháp luật. Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết: Tình trạng tự “quy hoạch”, trồng cây lâm nghiệp trên đất trồng cây hàng năm đang diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển trồng trọt; phá vỡ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương và chính quyền lợi của chính người dân.
Trước thực tế này, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho rằng: Chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ tình trạng người dân tự ý trồng cây lâm nghiệp trên đất trồng cây hàng năm, đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, chấp hành đúng quy định, sử dụng đúng mục đích đất được giao nhằm đảm bảo về pháp luật Đất đai”.
Được biết, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã tăng cường quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích và phù hợp với các quy hoạch của ngành Nông nghiệp.
Theo Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định, người dân đang sử dụng đất không được tự ý trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp người dân có nhu cầu trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa còn cần phải được sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện.