Nguyễn Thị Lê Na, Nhà sáng lập EcoNations: “Hãy hỗ trợ nông dân, đừng tranh việc của họ”
Ứng dụng công nghệ, Nguyễn Thị Lê Na cùng đội ngũ EcoNations tạo ra “con đường tắt” kết nối nông dân với người tiêu dùng và hỗ trợ họ quản lý, bán hàng… Nhờ đó, người nông dân được tập trung vào thế mạnh của mình là canh tác.
Nguyễn Thị Lê Na, Nhà sáng lập EcoNations |
Mô hình nông nghiệp thời 4.0
Chú Bảy (tên thật là Bùi Chơn) ngồi giữa vườn xoài, khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc. Lần đầu tiên, chú biết đến mô hình bán xoài từ khi cây còn chưa ra hoa. Quan trọng hơn, giá cả đã được xác định rõ ràng, người nông dân như chú chỉ cần yên tâm tập trung sản xuất, không phải lo tìm đầu ra mỗi khi quả chín rộ.
“Mấy đứa này giỏi thật, vậy là xoài 7 Chơn của tôi có thương hiệu nổi tiếng rồi”, người đàn ông sở hữu trang trại rộng 8 ha tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chia sẻ.
“Mấy đứa” mà chú Bảy nói đến chính là đội ngũ nhân sự của EcoNations, start-up công nghệ nông nghiệp do Nhà sáng lập Nguyễn Thị Lê Na điều hành.
Được truyền cảm hứng từ mô hình “Cây xoài nhà tôi” của tỉnh Đồng Tháp, đội ngũ EcoNations đã hợp tác với chú Bảy và mang mô hình về Khánh Hòa. Theo đó, mỗi khách hàng “đầu tư” từ 500.000 đồng đến hơn 700.000 đồng để sở hữu một cây xoài to khỏe, canh tác theo tiêu chuẩn thuận tự nhiên trong vườn xoài 7 Chơn. Từng cây xoài được định danh bằng một tấm biển nhỏ, gắn mã QR kèm lời nhắn từ phía người mua.
Đến mùa xoài chín, khách hàng có thể ghé thăm vườn để thu hoạch, hoặc đội ngũ EcoNations cùng chú Bảy sẽ thu hoạch và gửi toàn bộ xoài trên cây đến tận nhà của khách. Nhà vườn cam kết một cây xoài cho ra sản lượng tối thiểu là 20 – 25 kg. Nếu thiếu, vườn sẽ bù đắp cho khách bằng nguồn xoài từ các cây dự phòng.
– Nhà sáng lập Nguyễn Thị Lê Na
“Trong mô hình Cây xoài nhà tôi, người nông dân như chú Bảy sẽ yên tâm sản xuất, vì vừa có nguồn vốn ban đầu, vừa không cần lo đầu ra. Còn khách hàng được sử dụng những sản phẩm an toàn, biết rõ xuất xứ và có một trải nghiệm mới mẻ”, chị Lê Na giải thích.
Mở bán lần đầu tiên vào tháng 12/2023, hơn 100 cây xoài trong khu vườn của chú Bảy đã tìm được “nhà đầu tư”. Đến nay, khoảng 1.000 cây xoài đã được bán ra cho khách hàng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị Lê Na kể, đội ngũ của chị dành gần 1 năm vừa xây dựng ứng dụng EcoNations, vừa ghi nhận dữ liệu từng cây xoài theo hình thức thủ công (chụp ảnh, quay phim từng cây, rồi tích hợp thông tin dần vào ứng dụng).
Tháng 3 vừa qua, ứng dụng EcoNations bước đầu hoàn thiện. Giờ đây, một vườn xoài tương tự vườn của chú Bảy chỉ mất khoảng 1 tuần để cập nhật toàn bộ dữ liệu. Tuy nhiên, thông tin về quy trình chăm sóc, phát triển của từng cây xoài vẫn được cung cấp tới khách hàng theo cách thủ công, chưa tích hợp vào ứng dụng và cập nhật theo thời gian thực. Vì vậy, phía trước, EcoNations còn cả một chặng đường dài…
“Khởi nghiệp là vậy, không nhất thiết phải thật sự hoàn hảo mới mang sản phẩm đi bán. Hạnh phúc của người khởi nghiệp, đôi khi chỉ là, dù sản phẩm chưa hoàn thiện cũng đã có người mua, người ủng hộ”, Nhà sáng lập EcoNations chia sẻ.
Ngoài “Cây xoài nhà tôi”, EcoNations còn triển khai song song một mô hình tương tự là “Tổ ong nhà tôi”. Tổ ong được đặt ngay dưới gốc xoài, tạo thành hệ sinh thái đa sản phẩm. Ong hút mật từ hoa xoài để cho ra mật ong, đồng thời thụ phấn cho hoa để hình thành quả xoài.
Với khoản đầu tư từ 3 triệu đồng, khi tham gia mô hình “Tổ ong nhà tôi”, khách hàng được sở hữu một tổ ong của riêng mình, không cần phải trực tiếp mang tổ ong về nhà nuôi. Đội ngũ triển khai dự án sẽ quản lý, chăm sóc, cập nhật thông tin và chuyển mật ong tới địa chỉ của khách hàng sau khi thu hoạch.
Lan tỏa mô hình nông nghiệp sinh thái
Phối hợp cùng nông dân trồng xoài, nuôi ong, nhưng Nhà sáng lập EcoNations nhiều lần nhấn mạnh, đây không phải hoạt động chính mà start-up hướng tới. Mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Tổ ong nhà tôi” đóng vai trò như dự án thử nghiệm, trước khi nền tảng mở rộng hoạt động với hàng loạt trang trại khác.
Khi đó, những người nông dân như chú Bảy có thể tham gia nền tảng EcoNations, bán sản phẩm nông nghiệp kể cả khi sản phẩm chưa hình thành. Hiểu nôm na, đó là một hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), tương tự nhiều nền tảng gọi vốn cộng đồng trong giới khởi nghiệp công nghệ như Kickstarter hay GoFundMe.
“EcoNations là nền tảng gọi vốn cộng đồng trong mảng nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Mục tiêu của EcoNations là hỗ trợ người nông dân, chứ không phải tự trồng và cạnh tranh với nông dân”, chị Lê Na khẳng định.
Nhiều năm trước, Lê Na cũng là một người nông dân thực sự. Chị từng từ bỏ công việc ổn định ở Hà Nội để về Nghệ An trồng cam, cùng người dân quê hương thay đổi cuộc sống nhọc nhằn nhờ mô hình cam sinh thái. Trong mô hình đó, cây cam được canh tác theo hướng thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.
Đến nay, thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến do chị sáng lập vẫn là một thương hiệu nông sản mạnh trên thị trường. Sản phẩm chủ đạo là trái cam tươi đã xuất hiện tại các chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam, trong khi dòng sản phẩm chế biến từ cam như tinh dầu, mứt… đã tiếp cận nhiều thị trường quốc tế.
Nhưng thành công của Cam Vinh Kỳ Yến không thể khiến Nguyễn Thị Lê Na ngừng trăn trở về một mô hình nông nghiệp sạch, có sức mạnh lan tỏa. Diện tích trồng Cam Vinh Kỳ Yến chỉ khoảng 3 ha, cộng thêm hơn 30 ha liên kết với nông dân, vẫn chỉ là một con số nhỏ. Nhưng nếu mở rộng diện tích trồng cam, Nhà sáng lập sẽ phải đối mặt với bài toán tăng đầu tư, trong khi mỗi năm, cam chỉ thu hoạch được một mùa.
Làm thế nào để nhiều trang trại tại Việt Nam có thể trở thành Cam Vinh Kỳ Yến thứ hai, thứ ba, thứ n…? Lê Na tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời nhờ những khóa học về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chị hiểu rằng, chỉ bằng cách sử dụng sức mạnh công nghệ, thì mô hình nông nghiệp sinh thái mới đủ khả năng lan tỏa không giới hạn thời gian hay khoảng cách.
Cùng với một số cộng sự, Nguyễn Thị Lê Na chính thức thành lập Công ty cổ phần EcoNations vào tháng 1/2024. Nền tảng đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng chị khá tự tin về con đường mình đã lựa chọn. Trước mắt, trong nửa cuối năm nay, start-up dự kiến mở rộng hợp tác với các trang trại trên khắp cả nước. Tương tự mô hình vườn xoài 7 Chơn, các trang trại này được hướng dẫn phương pháp canh tác sinh thái và gọi vốn đầu tư từ người mua. EcoNations đứng ở vị trí trung gian, kiểm soát quá trình canh tác và giải ngân vốn theo từng đợt.
Sau này, khi nguồn dữ liệu đủ lớn, EcoNations dự kiến mở rộng các tính năng như dùng công nghệ để hỗ trợ nông dân canh tác và bán hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đánh giá sản phẩm ngay trên ứng dụng EcoNations, tạo điều kiện để các trang trại tốt tiếp tục nhận vốn đầu tư trong những năm sau.