Người nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, đó là mục tiêu Tây Ninh đặt ra dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Dư địa lớn
Tây Ninh có nhiều lợi thế để tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đó là lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị.
Để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu, ngành nông nghiệp địa phương này đang chuyển từ phát triển tập trung đơn ngành sang phát triển đa ngành, chuyển sản xuất từ đơn giá trị sang sản xuất tích hợp đa giá trị với mục tiêu lớn là hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng có các chính sách khuyến khích hình thức sản xuất quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, trang trại và gia trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển sản xuất hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, nhờ các chính sách, hiện nhiều nhà vườn tại địa phương đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới đối với dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả với tổng diện tích trên 35ha, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển bằng điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS) cho 194 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 1.503ha trên cây bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ… và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở là các tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn quả.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như EU, Hoa kỳ, Australia, New Zealand và Trung Quốc; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 48 cơ sở sản xuất là những hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất với tổng diện tích trên 1.037ha… Đây là tiền đề để địa phương tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp là xu hướng sản xuất ngày càng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, HTX… tại địa phương quan tâm thực hiện.
“Nhằm thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, tỉnh định hướng thực hiện các nhóm giải pháp như: Phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học, thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ để xây dựng lộ trình phát triển sản xuất phù hợp, có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết.
Trợ lực cho nông nghiệp hữu cơ
Trong giai đoạn 2020 – 2025, Tây Ninh định hướng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng gồm lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà.
Theo đó, nhiệm vụ được tỉnh này đề ra là xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ và phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, Tây Ninh cũng đã ban hành 2 chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện là nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh cũng định hướng cho các trang trại, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp công nghệ tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.
Đồng thời xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải chăn nuôi; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt; áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm biogas, sử dụng làm nguyên liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất; khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Song song đó, đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.
Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
“Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế tầm nhìn đến 2030, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững, giúp nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/tay-ninh-danh-nhieu-chinh-sach-cho-nong-nghiep-huu-co-d397818.html