HẢI PHÒNG Sau khi về hưu, ông Nguyễn Xuân Diệu đã dồn hết vốn liếng dành dụm để đầu tư nông nghiệp sinh thái, canh tác theo hướng hữu cơ tại xã Hùng Thằng, huyện Tiên Lãng.
Khu vực cánh đồng thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) trước đây có nhiều vùng sâu trũng, do trồng lúa năng suất thấp nên người dân chuyển sang đào ao nuôi tôm. Tuy nhiên, vì đầu tư ít, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi hạn chế nên hiệu quả kinh tế không cao, người dân tiếp tục bỏ hoang hóa, cây cỏ mọc um tùm.
Từng là kỹ sư công tác tại Công ty Điện lực Hải Phòng và đã về nghỉ chế độ nhưng do cái duyên với nông nghiệp nên khi thấy thực tế này, ông Diệu đã tìm hiểu rồi quyết tâm dốc hầu bao, dùng số tiền tích cóp được để trở về quê tích tụ ruộng đất làm mô hình nông nghiệp sinh thái.
Ban đầu, ông Diệu bị cả gia đình phản đối vì tuổi tác đã cao, phần sợ vất vả, một phần cũng lo mất trắng khi bỏ cả hàng chục tỷ đồng tích cóp bao nhiêu năm vào khu đất bỏ hoang. Tuy nhiên khi được giải thích thấu đáo, chia sẻ về đam mê và mong muốn đóng góp cho quê hương thì nguyện vọng của anh đã được gia đình tán thành.
“Trước đây tôi chỉ về quê vào cuối tuần hoặc khi có công việc quan trọng. Về sau, nhận thấy xu hướng phát triển du lịch sinh thái ở các địa phương là mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nên tôi đã về đây đầu tư và gắn bó”, ông Diệu chia sẻ.
Về xã Hùng Thắng, sau khi tích tụ được 5ha đất thuê từ người dân và đất công ích do xã quản lý, ông Nguyễn Xuân Diệu đã bắt tay cải tạo, đào ao, đắp đất thành khu vực nuôi, trồng khá bài bản, trên bờ trồng đủ các loại cây, dưới ao thì có tôm, cua, cá.
Vốn là vùng sâu trũng, bị bỏ hoang đã lâu nên quá trình cải tạo đất gặp không ít khó khăn, đủ mọi trở ngại, thách thức và phải mất gần 2 năm mới xong. Để có thể canh tác, ông Diệu mua thêm hàng chục nghìn khối đất để phục vụ san gạt và hàng nghìn khối đất màu phủ lên để trồng cây.
“Thời điểm chúng tôi về đầu tư, khu vực này chưa có đường nên việc cải tạo đất để trồng cây phải làm thủ công, dùng xe đẩy, xe rùa, xe kéo hoặc các loại xe tự chế. Còn việc san gạt thì dùng dùng máy xúc, tôi thuê hẳn 2 cái, thậm chí lúc cao điểm là 3 máy làm việc liên tục trong một năm rưỡi mới ra hình hài như hôm nay”, ông Diệu nhớ lại.
Xong khâu cải tạo đất, đến khâu trồng cây, ông Diệu đã đi khắp nơi để tìm tòi, học hỏi những điểm ưu việt của các mô hình người khác đã triển khai để tích lũy thêm kiến thức. Ứng dụng vào thực tế, anh Diệu căn cứ theo thực địa để chia khu trồng cây thành từng khu vực, từng loại cây riêng biệt, đa tầng đa tán, bên trên là cây cổ thụ, bên dưới là vườn cây ăn quả như cam, ổi, táo, bưởi, xoài, nhãn, dừa…
Cùng với đó, xung quanh vườn, dọc các con đường đi là hoa mẫu đơn đỏ, vàng và các loại cây lá màu xanh, hàng rào là hơn 1.000 gốc thanh long để tạo không gian mát mẻ. Còn dưới ao, ông Diệu cho ngăn thành 11 ao lớn nhỏ và nuôi tôm, cá, cua kết hợp. Tôm và cua được nuôi theo hình thức quảng canh, còn cá có cá nhòng, cá đối và cá rô phi.
“Tôi đã đi khắp nơi để học hỏi và bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào mô hình, trong đó riêng cây cối đã hơn 10 tỷ đồng. Việc quy hoạch các khu vực trồng cây và nuôi thủy sản đều do tôi tự mày mò học hỏi nhưng ai cũng khen”, ông Diệu chia sẻ.
Khi tham quan mô hình nông nghiệp sinh thái của ông Nguyễn Xuân Diệu, điều khiến chúng tôi ấn tượng đó là quá trình canh tác, chăm bón cây trồng được thực hiện theo quy trình hữu cơ và không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Do không dùng thuốc trừ cỏ nên trang trại phải cắt tỉa cây, nhổ cỏ liên tục. Ngoài các loại phân hữu cơ trên thị trường, những loại cây thân mềm cũng được tận dụng bằng cách cách cắt nhỏ rồi cho vào bể ủ và rắc thêm chế phẩm vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây.
“Chúng tôi làm nông nghiệp sinh thái nên không thể dùng hóa chất trong quá trình canh tác. Nếu dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất nào khác thì sẽ ảnh hưởng đến những vật nuôi khác, ảnh hưởng đến thủy sản. Nói chung là hữu cơ 100%, sản phẩm rất an toàn và sạch”, ông Diệu khẳng định.
Ông Diệu chia sẻ thêm, làm nông nghiệp sinh thái cần thực tế, sát sao trong công việc, nhiều vốn, phải sáng tạo liên tục và khác biệt. Hiện tại, mô hình chưa có lãi nhưng nông nghiệp sinh thái là xu thế, được nhiều người ưa chuộng nên rất tiềm năng. Do vậy, mô hình này không chỉ giải quyết vấn đề đất đai bỏ hoang mà còn tạo ra giá trị về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân và làm đẹp cho quê hương.
Theo lãnh đạo UBND xã Hùng Thắng, mô hình nông nghiệp sinh thái của ông Diệu mới được triển khai tại địa phương trên cơ sở thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất bỏ hoang và thuê lại một phần đất công ích của xã.
Từ khi có mô hình, nhờ đầu tư bài bản nên khu vực cánh đồng thôn Chử Khê trở nên đẹp hơn, giao thông đi lại thuận tiện, thúc đẩy đầu tư sản xuất và giúp người dân vận chuyển nông sản tốt hơn. Tuy vậy, khu vực này được quy hoạch làm cụm công nghiệp, do vậy không thể mở rộng, không thể hoàn thiện các thủ tục theo quy định và cũng chỉ có thể làm trong thời gian nhất định.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ky-su-dien-dam-me-nong-nghiep-sinh-thai-d388090.html