Sau gần một tháng xung đột với nhiều cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp, nhóm người nước ngoài đầu tiên đã được phép rời Dải Gaza.
Bước đột phá cho phép nhóm công dân nước ngoài đầu tiên, trong đó có nhiều người Mỹ, rời Dải Gaza ngày 1/11 đến sau nhiều tuần nỗ lực ngoại giao giữa nhiều bên. Thỏa thuận cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài và nhóm thường dân bị thương rời Gaza qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập đạt được vào ngày 31/10, trước khi lực lượng Israel không kích trại tị nạn lớn nhất Gaza.
Qatar, với sự hỗ trợ của Mỹ, là nhà môi giới chính của thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và Hamas, theo các nguồn tin quen thuộc với cuộc đàm phán.
Trước thỏa thuận, có những thời điểm quan chức Mỹ từng nghĩ họ có thể đưa người Mỹ ra ngoài và Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí đã khuyến nghị công dân nên tìm đường tới cửa khẩu Rafah. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực đều thất bại, khiến hàng trăm công dân Mỹ bị mắc kẹt ở Gaza thất vọng và sợ hãi.
Nhóm quan chức Mỹ do đại sứ David Satterfield dẫn đầu đã tham gia vào nỗ lực ngoại giao trực tiếp ở cả Israel và Ai Cập, nhưng phải dựa vào các nước đối tác để liên lạc với Hamas.
“Chúng tôi đàm phán với Israel, Ai Cập nhưng không trực tiếp nói chuyện với Hamas. Ai Cập và Qatar có thể gửi thông điệp tới Hamas. Nhưng bạn có thể hình dung mọi thứ khó khăn đến thế nào. Chúng rất phức tạp”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói tuần trước.
Khi bắt đầu đàm phán, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhấn mạnh rằng viện trợ nhân đạo sẽ đến Gaza trước khi Cairo xem xét mở đường cho dân thường rời khu vực. Ai Cập cũng nói rõ rằng họ không chấp nhận làn sóng người tị nạn ồ ạt vào nước này.
Hamas mong muốn những người Palestine bị thương có thể rời đi cùng công dân nước ngoài. Nhóm này cũng muốn một số chiến binh của họ được đi cùng nhóm bị thương tới Ai Cập. Yêu cầu này đã bị từ chối, theo một quan chức cấp cao Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ ủng hộ cho phép dân thường bị thương rời Gaza để được chăm sóc y tế. Mỹ đã tập trung vào thuyết phục Israel chấp nhận danh sách bệnh nhân có thể rời đi.
Ông Biden và ông Sisi đã thảo luận với nhau, nhất trí rằng điều quan trọng là đảm bảo “người Palestine ở Dải Gaza không chuyển hẳn tới Ai Cập hoặc bất kỳ nước nào”, Nhà Trắng cho biết cuối tuần qua.
Ai Cập muốn có một tổ chức quốc tế phụ trách quản lý và kiểm tra người dân từ phía Gaza trước khi họ qua cửa khẩu, theo nguồn tin am hiểu vấn đề. Các nhà đàm phán đã làm việc với Liên Hợp Quốc và họ đồng ý đảm nhận vai trò đó.
Tuy nhiên, họ không thể nhận được đảm bảo từ Hamas rằng các quan chức LHQ sẽ không bị quấy rối hoặc cản trở hoạt động. Hamas không muốn quan chức LHQ hoạt động ở Dải Gaza mà muốn họ làm việc ở phía Ai Cập, điều Cairo không chấp nhận vì lo ngại an ninh.
Bất chấp nhiều ngày nỗ lực, các nhà đàm phán không thể thuyết phục Hamas đồng ý điều mà Ai Cập mong muốn, nên phải chuyển trọng tâm sang các con đường tiềm năng khác. Các nhà đàm phán nhận thức được rằng thời gian không đứng về phía họ. Israel đồng ý cho phép người nước ngoài rời Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom, song Hamas tiếp tục là vấn đề. Một số nỗ lực được tiến hành để đưa các nhóm nhỏ dân thường qua tuyến đường đó song bị Hamas ngăn chặn.
Những ngày gần đây, Ai Cập từ bỏ yêu cầu phải có bên thứ ba giám sát cửa khẩu Rafah, trong khi Hamas đồng ý cho phép vận hành cửa khẩu, sau khi thảo luận với Qatar.
Khi các cuộc đàm phán có tiến triển và xe viện trợ có thể vào Gaza, Ai Cập trở nên cởi mở hơn. Ai Cập yêu cầu quan chức Mỹ cung cấp danh sách công dân và người thân của họ muốn rời Gaza. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matt Miller ngày 1/11 nói rằng Cairo đã “nhất trí cho phép người sơ tán qua cửa khẩu Rafah từ vài tuần trước, song phải mất nhiều thời gian để hiện thực hóa kế hoạch”.
Quan chức Mỹ nói Hamas là bên cản trở các nỗ lực. Miller tuần trước nói rằng Hamas có lúc không cử người canh gác trạm kiểm soát biên giới, có lúc lại tập trung lực lượng đông để ngăn người dân tiếp cận cửa khẩu.
Đến cuối tuần qua, triển vọng đạt thỏa thuận đã rõ ràng hơn. Tổng thống Biden một lần nữa điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Ai Cập Sisi vào ngày 29/10 để thảo luận chi tiết thỏa thuận tiềm năng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 30/10 điện đàm với người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và thúc giục tăng sức ép với Hamas để thông qua thỏa thuận.
Tới hôm sau, “Mỹ đã đạt đến ngưỡng mà chúng tôi có thể tự tin rằng công dân Mỹ sẽ được rời Gaza”, Miller nói ngày 1/11.
Giới chức biên giới do Hamas kiểm soát đã giám sát quá trình đưa dân thường qua cửa khẩu phía Gaza. Khoảng 400 công dân Mỹ và các thành viên gia đình, tổng cộng khoảng 1.000 người, cùng khoảng 5.000 công dân nước ngoài khác được phép rời đi, theo Blinken.
Haneen Okal, người mẹ 31 tuổi có ba con, là một trong những người có hộ chiếu Mỹ được rời dải đất.
“Chúng tôi không thể mô tả cảm xúc khi được rời đi. Nhưng chúng tôi vẫn buồn vì những gì đang xảy ra ở Gaza. Chiến tranh vẫn còn ở đó”, Okal nói. “Bố mẹ và 4 anh chị em của tôi còn ở lại đó. Bố mẹ tôi có quốc tịch Mỹ, nhưng họ không muốn bỏ lại những thành viên khác trong gia đình. Tôi hy vọng họ có thể sớm được rời khỏi đó càng sớm càng tốt”.
Thanh Tâm (Theo CNN, NPR)