IndonesiaHàng nghìn tín đồ Hindu trèo lên ngọn núi lửa Bromo đang hoạt động để ném gà, rau củ, tiền xuống thực hiện nghi lễ hiến tế.
Nhóm tín đồ hôm 5/6 cùng nhau tập trung quanh núi lửa Bromo, mang theo rau củ, gà, dê và các lễ vật khác để tham gia nghi lễ hiến tế Yadnya Kasada có truyền thống hàng thế kỷ. Hàng năm, các thành viên bộ tộc Tengger đều đến núi lửa Bromo thực hiện lễ hiến tế với hy vọng làm hài lòng thần linh và được ban phước lành.
“Chúng tôi có rất nhiều bò ở quê nhà và con này có thể bị coi là thừa thãi, nên chúng tôi mang nó tới đây trả lại cho Thánh. Đây cũng là hành động tạ ơn ngài đã ban cho chúng tôi sự ấm no”, Slamet, nông dân 40 tuổi, vác theo con bê tới núi lửa để thực hiện nghi lễ, nói.
Tuy nhiên, con bê của Slamet không bị ném vào núi lửa mà được một dân làng địa phương bắt sau khi Slamet hoàn tất cầu nguyện.
Một số dân làng không thuộc bộ tộc Tengger mang theo vợt và lưới tới các sườn dốc ở miệng núi lửa Bromo để đỡ các vật bị ném xuống, nhằm tránh lãng phí.
Rohim, người đã ném khoai tây, tỏi và tiền xuống núi lửa Bromo, cho biết anh cảm thấy mình may mắn hơn sau những lần thực hiện nghi lễ này.
“Công việc kinh doanh của tôi tốt hơn nên tôi tới đây lễ tạ. Tôi hy vọng công việc sẽ ngày càng thuận lợi”, người đàn ông 32 tuổi nói.
Đây là lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, chính quyền địa phương cho phép du khách tới xem lễ hiến tế ở núi lửa Bromo. Trong thời gian đại dịch hoành hành, chỉ các tín đồ thực hiện nghi lễ mới được vào khu vực này.
Lễ Yadnya Kasada bắt nguồn từ thế kỷ 15 dựa theo câu chuyện về Công chúa Roro Anteng và chồng ở vương quốc Majapahit. Sau nhiều năm chung sống, hai vợ chồng không có con nên đã cầu xin thần linh giúp đỡ.
Thần linh chấp nhận lời thỉnh cầu của vợ chồng Công chúa Roro Anteng, ban cho họ 25 người con với điều kiện phải hiến tế con út bằng cách ném xuống núi lửa Bromo. Để đảm bảo hưng thịnh cho bộ tộc Tengger, người con út này đã tình nguyện nhảy xuống núi lửa.
Ngọc Ánh (Theo AFP)