Do không có cảng biển trung tâm nên mỗi tấn hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất đi hoặc nhập về phải chịu thêm chi phí khoảng 10 USD, theo ông Nguyễn Văn Thể.
Thông tin được Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, (nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng) nêu tại hội thảo Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, ngày 7/8.
Theo ông Thể, do Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng trung tâm cửa ngõ nên toàn bộ hàng hóa của vùng muốn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào phải trung chuyển qua TP HCM, mỗi một tấn hàng xuất đi phải chịu thêm chi phí khoảng 10 USD.
“Đến thời điểm này, không có vị trí nào làm cảng biển tốt như Trần Đề. Bởi cảng chỉ cách TP Cần Thơ khoảng 60 km, rất gần các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau….”, ông Thể nói và cho rằng nếu không có cảng này thì Đồng bằng sông Cửu Long “sẽ mãi nghèo”.
Theo quy hoạch khu bến cảng Trần Đề – Sóc Trăng có quy mô khoảng 5.400 ha, năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng khoảng 100.000 DWT (tương đường 100.000 tấn), tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự án có nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80-100 triệu tấn mỗi năm. Cảng được đánh giá sẽ kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của 13 tỉnh miền Tây đi các nước.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng cho rằng miền Tây đang phát triển mạnh nông lâm nghiệp nhưng chưa phát triển mạnh công nghiệp vì chưa có đủ cao tốc, cảng. Khi giao thông vận tải kết nối hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy công nghiệp vùng phát triển, hình thành các khu, cụm công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
Cùng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết công ty chuyên về các mặt hàng thuỷ sản, hằng năm xuất khẩu khoảng 25.000-30.000 tấn. Trong 27 năm qua, hàng hoá của doanh nghiệp đều phải vận chuyển về các cảng ở TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Nếu có cảng biển Trần Đề nằm ở Sóc Trăng, sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm rủi ro cho đơn hàng, tăng tính tin cậy trong xuất nhập khẩu hàng hoá; tạo được ưu thế cạnh tranh của khu vực”, ông Lực nói và cho biết với 1.500-2.000 container xuất khẩu mỗi năm, nếu có cảng biển sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng chi phí.
Hiện, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP HCM. Tình trạng này đã làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng miền Tây vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Trên cơ sở các ý kiến đề xuất tỉnh sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lồng ghép trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng phê duyệt dự án.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, cho biết đến cuối năm nay, trễ nhất là năm 2024, Bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng nước cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng và trình Chính phủ phê duyệt, để sớm triển khai thực hiện dự án cảng Trần Đề. “Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia. Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển”, ông nói.
Trần Đề là một huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục giao thông quốc lộ Nam Sông Hậu nối liền TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu. Huyện có 12 km bờ biển, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế biển.
An Minh
An Minh