Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua nhiều dự án như cải thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết thị trường, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, xúc tiến thương mại nông sản.
Ông Chang Won Sam – Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết, KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam. |
Ngày 18/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2024-2030.
Ông Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm gần đây đã đạt được kết quả ấn tượng.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng, các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến 2023. Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 51,57 tỷ USD các sản phẩm NLTS, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 5, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm NLTS của nước này.
Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung vào chuyển giao công nghệ về phát triển cây nhiên liệu sinh học, các giống rau cao cấp, công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy thương mại nông sản có thế mạnh của hai nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Phong, thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn một số hạn chế như xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Hàn Quốc còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, chủ yếu là sản phẩm dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị còn thấp.
Tính đến năm 2022, đầu tư FDI của Hàn Quốc vào nông nghiệp tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm 0,42% tổng số dự án FDI và 0,17% tổng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam (39 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 134,05 triệu USD).
Các dự án FDI của Hàn Quốc đầu tư vào ngành nông nghiệp tại Việt Nam chỉ tập trung vào một số tiểu ngành như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… còn thiếu các hoạt động chuyển giao công nghệ và các hình thức đầu tư liên doanh.
Ông Chang Won Sam – Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên, được hỗ trợ theo chiến lược trung và dài hạn.
Mặc dù tỷ trọng trong đầu tư nước ngoài FDI còn thấp nhưng quy mô ODA liên tục tăng. Tuy nhiên, dự kiến năm 2030, Việt Nam sẽ gia nhập vào danh sách quốc gia thu nhập trung bình cao nên không thể tránh khỏi việc thu nhỏ quy mô dự án ODA.
“Để đẩy mạnh thu hút các dự án vốn đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp, về lâu dài cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả”, ông Chang Won Sam chia sẻ.
Theo ông Chang Won Sam, KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua nhiều dự án như cải thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết thị trường, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, số hóa, đổi mới cải tiến… Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam, đảm bảo tính phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.
Bà Lee Hye Jin – Đại học Konkuk (Hàn Quốc) cho biết, môi trường chính sách, kinh tế Việt Nam và quốc tế đang có sự thay đổi, từ đó yêu cầu cần có một chiến lược hợp tác mới. Các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc theo tầm nhìn bao gồm chuỗi giá trị nông sản, phát triển nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, thương mại nông sản, nâng cao năng lực cho nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược và có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, hợp tác nông nghiệp hai bên vẫn còn khá khiêm tốn và còn nhiều dư địa để phát triển. Đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm thay đổi chiến lược của các quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực, đa dạng hóa thị trường cung ứng nông sản, tận dụng cơ hội mới của thị trường. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam và Hàn Quốc rà soát đánh giá, đưa ra những chiến lược hợp tác trong nghiên cứu phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai quốc gia.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, bên cạnh các chương trình, dự án hợp tác truyền thống, “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2024 – 2030” cần tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của hai bên, đa dạng hóa các loại hình hợp tác từ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến các hình thức đầu tư mới như đối tác công tư, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp.