Hầm trú ẩn nằm dưới một khách sạn Mỹ từng được thiết kế để bảo vệ các quan chức chính phủ trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Khách sạn sang trọng Greenbrier nằm ở Sulphur Springs, Tây Virginia, nằm bên trên một hầm trú ẩn khẩn cấp ở độ sâu 229 m dưới mặt đất, được phát triển vào năm 1958, chuyên dùng để các chính trị gia Mỹ ẩn náu trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, theo Mail. Những bức tường giả trong khách sạn che giấu cánh cửa chịu nổ nặng 20 – 28 tấn dẫn tới hầm trú ẩn bê tông cốt thép bao gồm 1.100 giường, một phòng họp và phòng chăm sóc đặc biệt.
Cơ sở sơ tán chính phủ còn có biệt danh là “Đảo Hy Lạp”, từng chứa nhu yếu phẩm gồm thức ăn, nước uống và thuốc men đủ dùng trong 6 tháng. Chưa rõ liệu Quốc hội Mỹ có từng chuyển vào hầm trú ẩn dưới lòng đất hay không, nhưng cơ sở đã giải thể vào năm 1992 và trở thành nơi tham quan cho công chúng.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, nguy cơ chiến tranh hạt nhân khiến các chính trị gia lo ngại. Chính phủ Mỹ mua lại khu nghỉ mát từ công ty đường sắt Chesapeake và Ohio năm 1942 và quá trình xây hầm trú ẩn trong dự án Đảo Hy Lạp kéo dài 2,5 năm bắt đầu.
Cơ sở trải rộng dưới lòng đất chứa mọi thứ cần thiết để duy trì cuộc sống trong trường hợp tấn công hạt nhân. Những cánh cửa sừng sững bảo vệ người bên trong an toàn trước bụi phóng xạ, vụ nổ bom hoặc kẻ đột nhập. Một số cánh cửa ẩn sau các bức tường phủ giấy dán hoặc cửa giả. Buồng phun khử hóa chất bên trong lối vào sẽ rửa sạch bụi phóng xạ trên người lánh nạn trong hầm. Ngoài phòng sinh hoạt, phòng họp và phòng y tế, cơ sở có một phòng hoạt động trang bị vũ khí và thiết bị liên lạc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đóng giả nhân viên sửa chữa đồ điện ở khách sạn, các nhân viên chính phủ bổ sung nhu yếu phẩm cho hầm trú ẩn qua nhiều năm. Năm 1992, khi Washington Post đưa tin về căn hầm, các cuộc phỏng vấn với công nhân xây dựng và quan chức chính phủ hé lộ quy mô của dự án. Chính quyền liên bang Mỹ nhanh chóng giải thể hầm trú ẩn. Sau hai năm tu sửa, cơ sở mở cửa đón khách tham quan vào năm 2006.
An Khang (Theo Mail)