“Nếu khỏe mạnh, tôi sẵn sàng chờ lương hưu. Giờ ốm đau tôi chỉ muốn nhận lại khoản tiền 17 năm đóng bảo hiểm xã hội”, bà Hứa Thị Mai, ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cất giọng khó nhọc.
Giọng người phụ nữ 58 tuổi như mếu, thoái chí nản lòng “không muốn đợi nữa” khi sức khỏe suy kiệt, kinh tế khánh kiệt sau 5 năm điều trị ung thư buồng trứng lẫn đại tràng. Sau ba lần mổ và hàng chục đợt hóa trị, giờ bà Mai duy trì sức khỏe mỗi ngày bằng thuốc. Chừng ấy năm, bà tự bỏ tiền ra mua BHYT.
Bà Hứa Thị Mai nằm trong danh sách hàng nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu BHXH sai quy định dù không trong diện đóng, từ năm 2003 đến 2021 theo phản ánh của Ban Dân nguyện thuộc Thường vụ Quốc hội. Tính đến tháng 5/2023 vẫn còn 3.567 chủ hộ kinh doanh đang chờ giải quyết quyền lợi, 37% trong số này đã đóng BHXH trên 15 năm.
Tại Nghị quyết ban hành tháng 6/2023, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan trong năm 2023 phải giải quyết dứt điểm vướng mắc để đảm bảo quyền lợi cho các chủ hộ này. Chín tháng sau Nghị quyết, các bên liên quan vẫn đang bàn thảo, tính toán phương án xử lý. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 1 đã đề xuất ba phương án là tính thời gian đóng để hưởng theo quy định và đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; trả lại tiền thu không tính lãi và tích hợp hai nội dung trên trong phương án cuối cùng.
Sau gần một năm chờ đợi phương án xử lý mà không thấy động tĩnh, bà Mai muốn nhận lại tiền đã đóng BHXH để trả nợ ngân hàng, chi trả tiền thuốc. Bà chấp nhận ngay cả khi khoản tiền hoàn trả chỉ bằng một phần mười”.
Năm 2005, người phụ nữ bán hàng xén, ngũ cốc tham gia BHXH bắt buộc sau nhiều lần cán bộ ngành bảo hiểm huyện Sơn Dương đến nhà vận động. Tích dăm chục lời lãi sau mỗi phiên chợ bán vài cân lạc, đỗ, bà gom tiền đóng theo đợt, mong muốn có lương hưu để không phiền con cái khi về già.
Sau 14 năm đóng bắt buộc, bà Mai chuyển sang nhóm đóng BHXH tự nguyện vào năm 2017 theo thông báo cảu cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo. Đó là thời điểm mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các địa phương dừng thu sau khi phát hiện các chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng bắt buộc. Song việc thu sai vẫn kéo dài đến năm 2021.
Đến tháng 5/2020, bà nhận thông báo từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội “không thuộc diện, dừng đóng để bảo lưu, chờ trên quyết định”. Bà Mai dù không hiểu cũng “chỉ biết làm theo rồi chờ đợi”. Cho đến giờ, bà không nhớ mình cùng các chủ hộ cá thể đóng BHXH ở Tuyên Quang đã gõ cửa bao nhiêu cơ quan công quyền để hỏi quyền lợi. Không đi lại được sau những lần hóa trị, bà chuyển đơn nhờ các chủ hộ khác gửi thay.
Theo quy định hiện hành, bà Mai đóng 17 năm BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện và còn thiếu ba năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu. Từng tính đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, song bệnh tật khiến bà thay đổi quyết định.”Giờ lo tiền thuốc thang còn chật vật, bà chỉ mong nhận tiền càng sớm càng tốt.
Chung nỗi sốt ruột, ông Nguyễn Viết Lâm (TP Tuyên Quang) đã bước sang năm thứ tư đợi sổ hưu trí. Ông tính ra đã hai lần đợi, từ khi Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang “chốt sổ” tháng 4/2020, giờ tiếp tục chờ cấp ngành công bố phương án sau Nghị quyết của Quốc hội.
Người đàn ông 64 tuổi đã kiện cơ quan Bảo hiểm xã hội ra tòa khi đóng đủ số năm BHXH lẫn đủ tuổi đời mà chưa được hưởng chế độ. Gần một năm qua, ông tiếp tục gõ cửa các cơ quan công quyền để cập nhật tiến độ giải quyết song nơi im lặng, nơi bảo chờ.
Ông kể, phía Bảo hiểm xã hội Tuyên Quang nói nếu cấp ngành đồng ý cộng thời gian đóng sẽ hoàn trả lại hết khoản tiền ông mua BHYT trong những năm qua. Ông giữ hết hóa đơn, sốt ruột khi không biết bao giờ mới được nhận, “trong khi cấp ngành nói phải xử lý dứt điểm trong năm 2023”. Tuổi già bấp bênh, ông Lâm vẫn chọn đợi lương hưu chứ không muốn “trả là xong”. Bởi có đóng thì phải được hưởng “chứ không phải đi xin”.
Cũng như ông Lâm, bà Lê Thị Hà (huyện Yên Sơn) chọn chờ lấy lương hưu chứ không muốn nhận lại tiền đóng mà không tính lãi. Tham gia từ năm 2005, bà Hà đóng tổng cộng 13 năm BHXH bắt buộc, 3 năm tự nguyện và trích hơn 72 triệu đồng nộp một lần cho 45 tháng còn thiếu để chốt sổ chờ lương hưu.
“Giá một yến gạo ngày trước 100.000 đồng thì giờ phải gấp đôi tiền mới mua được. Nếu hoàn trả mà không tính lãi thì quá thiệt thòi”, bà so sánh, quyết lấy lương hưu để “sau này không thành gánh nặng cho xã hội”.
Bà Hà nói rất tin tưởng “những lời tuyên bố mạnh mẽ từ các cấp ngành” về giải quyết quyền lợi cho các chủ hộ. Nhưng sau gần một năm đợi chờ động thái từ các bên, bà lần thứ hai nộp đơn lên Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang kiện Bảo hiểm xã hội địa phương này. Lần đầu bà gửi đơn kiện năm 2021, sau chấp nhận hòa giải để chờ phương án nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Để có tiền đi lại, bà Hà duy trì tiệm tạp hóa nhỏ trong khi lẽ ra có thể nhận tháng lương hưu đầu tiên ngày 1/5/2020.
Bốn năm với hai lần chờ hụt lương hưu, người phụ nữ 59 tuổi “rất mệt mỏi” nhưng không muốn bỏ cuộc. Ngoài sự chờ đợi chưa thấy kết quả, bà còn nỗi buồn lo dai dẳng khi cuối năm 2019 nhờ người thân đứng ra vay lãi ngân hàng, gom đủ 72 triệu đồng đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ 20 năm BHXH. Thời điểm mà khoản tiền có thể mua được gần hai cây vàng, đến giờ bà vẫn đang nợ người thân hơn 20 triệu đồng.
“Có nhiều đơn vị khác cũng mời mua bảo hiểm nhân thọ nhưng tôi từ chối hết, chỉ chọn bảo hiểm xã hội vì là của nhà nước” bà nói, bức xúc khi xưa chậm đóng vài ngày bị tính lãi từng đồng, còn lương hưu bao năm đợi chờ vẫn chưa thấy.
Theo đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại báo cáo gửi Chính phủ, có ba phương án giải quyết quyền lợi cho các chủ hộ kinh doanh cá thể.
Phương án một, tính thời gian chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ theo quy định. Đồng thời bổ sung nội dung chủ hộ kinh doanh thuộc diện đóng bắt buộc vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để báo cáo Quốc hội quyết định. Kinh phí chi trả do Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm đương từ số tiền chủ hộ đã đóng, theo nguyên tắc đóng – hưởng, không lấy từ ngân sách nhà nước.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chọn phương án này vì mở rộng lưới an sinh, củng cố niềm tin lẫn động lực cho người dân tham gia BHXH. “Theo quy định pháp luật qua các thời kỳ, việc tham gia, đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của chủ hộ không thuộc các hành vi bị nghiêm cấm”, báo cáo nêu.
Phương án hai là hoàn trả tiền đóng và thu hồi tiền đã chi cho các chế độ bắt buộc như ốm đau, thai sản, BHTN. Các khoản thu hồi lẫn hoàn trả này sẽ không tính lãi.
Cơ quan đề xuất lo ngại dễ dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại kéo dài do nhiều chủ hộ không đồng tình. Hiện 200 chủ hộ đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đủ tuổi đời và đóng BHXH trên 20 năm; 380 người đủ tuổi nghỉ hưu và đóng trên 15 năm BHXH, muốn tự nguyện đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng hưu trí. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định nếu hoàn trả thì phải bù thêm tiền lãi là bao nhiêu.
Phương án ba, tích hợp hai nội dung vừa nêu, tính thời gian đóng BHXH bắt buộc cho các chủ hộ và đưa nội dung vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trường hợp chủ hộ thay đổi nguyện vọng, muốn hoàn trả tiền đóng thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả song không tính lãi. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vận dụng theo công văn hướng dẫn năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, song lo ngại khó thực hiện do nhiều chủ hộ đã hưởng chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, nếu hoàn trả thì cũng phải truy thu lại các khoản này.
Ông Nguyễn Viết Lâm cho rằng trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định phải thoái thu trả lại tiền cho các chủ hộ, cần tính đầy đủ cả gốc lẫn lãi vì đồng tiền 20 năm trước giá trị khác bây giờ.
“Nếu trả lại tiền mà không tính lãi, tôi sẽ không nhận vì như thế không phải là an sinh xã hội”, ông dứt khoát.
Hồng Chiêu