Ngày 6/5 vừa qua, 15 tác phẩm báo chí đã được trao giải báo chí danh giá Pulitzer. Trong đó, “Mất tích ở Chicago” là loạt bài giành giải Pulitzer năm nay cho hạng mục đưa tin địa phương. Loạt bài này vạch trần những thất bại của Sở Cảnh sát Chicago (CPD) về các cuộc điều tra phụ nữ da đen mất tích hoặc bị sát hại. Được xuất bản bởi các tổ chức báo chí phi lợi nhuận City Bureau và Invisible Institute, loạt bài đã được thực hiện trong nhiều năm với sự trợ giúp đắc lực của công cụ học máy có tên Judy.
Giám đốc dữ liệu Trina Reynolds-Tyler tại Invisible Institute, người cùng đoạt giải Pulitzer với phóng viên Sarah Conway của City Bureau, cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng công nghệ học máy để phân tích văn bản trong hồ sơ của cảnh sát, đặc biệt là các loại tài liệu có chứa những câu chuyện bên trong”.
Reynolds-Tyler bắt đầu phát triển Judy từ năm 2021, như một phần của dự án tại Invisible Institute nhằm xử lý hàng nghìn hồ sơ về hành vi sai trái của CPD. Các hồ sơ kéo dài từ năm 2011 đến năm 2015 và được dùng để tạo dữ liệu đào tạo cho Judy.
Kết quả, Judy đã đưa ra được 54 cáo buộc về hành vi sai trái của cảnh sát liên quan đến những người mất tích trong khoảng thời gian 4 năm đó, cũng như nỗi đau của những gia đình có người thân mất tích những năm gần đây. Judy chứng tỏ những trường hợp này là một phần lịch sử thất bại mang tính hệ thống của CPD.
Về hạng mục báo chí quốc tế, bài báo tháng 12/2023 của New York Times (NYT) đã đoạt giải Pulitzer về cuộc chiến ở Gaza. Nhóm đã huấn luyện một công cụ có thể xác định các miệng hố do bom 907 kg để lại – một trong những loại bom lớn nhất trong kho vũ khí Israel.
NYT sử dụng công cụ này để xem xét hình ảnh vệ tinh và xác nhận hàng trăm quả bom đó đã được quân đội Israel thả xuống miền nam Gaza, đặc biệt là ở những khu vực được đánh dấu an toàn cho dân thường.
Phóng viên Ishaan Jhaveri của nhóm chuyên về các phương pháp báo cáo tính toán cho biết: “Có nhiều công cụ AI về cơ bản chỉ là công cụ có khả năng nhận dạng mẫu mạnh mẽ”. Anh giải thích rằng nếu bạn cần tìm hiểu lượng tài liệu khổng lồ cho một dự án điều tra, bạn có thể nhờ thuật toán AI trợ giúp. Trong trường hợp này, AI đã giúp tìm kiếm và xác định miệng hố bom từ các bức ảnh chụp trên không.
Kết quả, nhóm điều tra phát hiện ra rằng vào ngày 17/11/2023, đã có hơn 200 miệng hố bom 907 kg ở miền nam Gaza. NYT lưu ý: “Có khả năng số bom này thực tế đã được sử dụng nhiều hơn những gì ghi lại trong báo cáo của chúng tôi”.
“Chúng tôi sử dụng AI một cách hiệu quả vì đây là loại nhiệm vụ tốn quá nhiều thời gian nếu làm thủ công, gây ảnh hưởng đến công việc điều tra khác”, Jhaveri nói.
Ngọc Ánh (theo NiemanLab)
Nguồn: https://www.congluan.vn/hai-chu-nhan-doat-giai-pulitzer-tiet-lo-viec-su-dung-ai-trong-bai-bao-cua-minh-post294913.html