Top 1 nữ runner phong trào Hà Thị Hậu muốn đưa Việt Nam lên bản đồ chạy trail thế giới trong năm 2024, và xem việc ra nước ngoài thi đấu là xu thế chung của chạy bộ phong trào trong nước.
– Hà Thị Hậu kết thúc năm 2023 với nhiều thành công. Chị nhìn nhận thế nào về những gì bản thân đạt được năm qua?
– Tôi hài lòng với những gì bản thân đạt được năm 2023. Tuy nhiên, tôi có chút tiếc nuối về thành tích của bản thân ở giải Ultra-Trail du Mont-Blanc hồi tháng 9 – đứng thứ tư nữ và thứ 32 chung cuộc cự ly 101km với thành tích 12 giờ 38 phút 28 giây. Đây được xem là giải đấu chung kết cho các VĐV chạy trail trên toàn thế giới và tôi có phần bỡ ngỡ trong lần đầu tham dự. Tôi và các HLV đã bàn bạc và rút ra kinh nghiệm. Chúng tôi không tiện chia sẻ cụ thể ở đây nhưng tôi tin bản thân hoàn toàn đủ năng lực vô địch. Đó sẽ là mục tiêu hàng đầu của tôi trong năm 2024.
– Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị trong 10 giải đấu tham dự năm 2023?
– Rất nhiều kỷ niệm. Nhưng đáng nhớ nhất là giải Doi Inthanon ở Thái Lan vào tháng 12, nơi tôi vô địch nữ 100km với thành tích 12 giờ 9 phút. Giải đấu có tốc độ nhanh khủng khiếp. Không thể tưởng tượng nổi là bạn chỉ cần dừng lại một chút để lấy một miếng cam ăn thôi là sẽ có 50 người vượt qua. Mà tôi nghĩ 50 người là còn ít. Cứ khoảng một phút sẽ có khoảng 20 người vượt qua. Bạn dừng 5 phút là khi quay lại phải vượt 100 người. May mắn là tôi dẫn đầu trong phần lớn thời gian nên không bị rơi vào tình cảnh đó. Nhưng có một đoạn tôi dừng lại ăn miếng cam nên bị người thứ hai vượt lên rồi đuổi mãi không kịp .
– Cảm xúc của chị như thế nào khi cầm cờ Việt Nam về đích ở những giải đấu quy mô toàn thế giới?
– Tôi rất tự hào và hạnh phúc. Vì từ trước đến nay chưa có người Việt Nam nào làm được điều này, kể cả nam. Tôi muốn cho mọi người xem livestream thấy có người Việt Nam chiến thắng ở giải chạy địa hình khắc nghiệt nhất châu Á nên đã mang cờ khi về đích. Tôi không muốn bị nhầm thành người Trung Quốc.
– Các VĐV nước ngoài có gì khác biệt so với VĐV Việt Nam?
– Các VĐV nước ngoài rất chuyên nghiệp, ngồi với họ, tôi cứ như gà mờ. Ở Việt Nam bây giờ, mọi người cũng khá chuyên nghiệp rồi, nhưng ra nước ngoài, dù không muốn so sánh, tôi vẫn tự thấy mình như con vịt lạc giữa bầy công. VĐV nước ngoài họ vô cùng chỉn chu, từ quần áo, đồ ăn đến dinh dưỡng. Nhìn họ toát lên thần thái của một VĐV. Còn mình thì từ quần áo, ăn uống… ngay cả chỗ ở cũng không tốt như vậy. VĐV nước ngoài họ được tài trợ từ A đến Z nên chạy tốt là phải. Và họ chỉ tập trung cho việc chạy thôi. Nếu có việc khác, họ bỏ luôn để tập trung cho việc chạy. Chỉ ăn, tập và chạy. Còn tôi vẫn phải làm việc song song với thi đấu nên cảm giác không được chuyên nghiệp như họ. VĐV nước ngoài cũng cởi mở, nhưng không thân thiện như người Việt Nam. Nếu quen, họ mới trò chuyện. Còn không, mình lại gần xin chụp ảnh họ cũng không thích lắm đâu.
– Gần đây, nhiều VĐV Việt Nam tự đầu tư để ra nước ngoài thi đấu. Theo chị, đây là hiện tượng nhất thời, hay là xu thế trong tương lai?
– Tôi nghĩ runner Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là xu thế. Vì bây giờ mọi người có điều kiện hơn trước, nên muốn trải nghiệm những môi trường mới hơn, chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên, các giải chạy Việt Nam giờ chuyên nghiệp hơn rồi, nhưng giải nước ngoài vẫn hơn nhiều thứ, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến phương tiện. Đa số runner thích thay đổi trải nghiệm. Ví dụ năm nay chạy VnExpress Marathon Nha Trang thì năm sau họ sẽ muốn chạy giải mới ở Hải Phòng. Ở Việt Nam, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chừng ấy giải, nên họ muốn ra nước ngoài là điều dễ hiểu. Không chỉ là trải nghiệm mà họ còn tìm kiếm thử thách và có thêm kinh nghiệm. Ai cũng muốn rút ra bài học sau mỗi lần đi race. Khi cọ xát với VĐV nước ngoài, bạn có thể nhận thấy bản thân cần cải thiện nhiều thứ, không chỉ là vấn đề tốc độ.
– Chạy bộ Việt Nam bùng nổ trong năm 2023 và hứa hẹn tiếp tục trong năm 2024. Theo chị, đâu là hướng đi đúng để nâng tầm các giải chạy trong nước?
– Tôi nghĩ ban tổ chức các giải cần lắng nghe VĐV hơn nữa. Không phải lắng nghe mọi thứ, nhưng cần quan tâm hơn đến nguyện vọng của VĐV. Tuy phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang phát triển, tôi cảm thấy mọi người dần ít đi race hơn. Vì thực tế, nhiều người tham gia giải chạy để vui khỏe thôi. Nên tôi nghĩ ban tổ chức các giải nên làm gì đó để khích lệ họ. Hiện, các giải chạy đang mang lại nguồn thu lớn. Bỏ ra một phần nhỏ để đầu tư cho VĐV tôi nghĩ chẳng đáng là bao.
Thứ hai, tôi cho rằng nên giảm số lượng các giải đi thì tốt hơn. Tôi muốn nói đến các giải không thể đảm bảo cho VĐV về phương tiện đi lại, nơi ăn ở thì tốt hơn hết nên bỏ, vì như thế là thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng đáng quan ngại. Ví dụ, xúc xích là kẻ thù của runner, nhưng ban tổ chức các giải lại cho VĐV ăn rất nhiều. Tôi biết chuyện này có thể liên quan đến vấn đề tài trợ và VĐV đang được dùng miễn phí. Nhưng nếu làm như các giải trên thế giới sẽ chuyên nghiệp hơn. Đồ ăn họ bán chứ không cho. Nhưng bán với giá rất rẻ và đều là đồ tốt cho sức khỏe và có giám định. Đây là yếu tố quan trọng bởi sau khi thi đấu, cơ của VĐV rất đói. Nếu nạp vào đồ không tốt thì cơ của bạn sẽ ăn luôn những thứ đó. Một hai lần thì không sao nhưng ăn nhiều sẽ hại cho sức khỏe. Tương tự là việc cho VĐV uống nước ngọt.
Tôi nghĩ các giải đấu nên được kiểm soát tốt hơn. Khi bỏ những giải thiếu chuyên nghiệp, VĐV sẽ tập trung cho những giải lớn thay vì chạy ba đến bốn giải một tháng, mà trong đó nhiều giải kém chất lượng. Như thế, cơ hội tìm kiếm ra các tài năng sẽ cao hơn.
Chẳng hạn, VnExpress Marathon đã có một hệ thống giải như vậy thì cuối năm có thể tổ chức một giải chung kết cho các VĐV thành tích tốt. Như thế, phong trào có thể giúp tìm ra những VĐV tài năng, sau đó bồi dưỡng, vun đắp để họ phát triển. Tôi nghĩ về chạy bộ, Việt Nam không thua kém các nước khác. Tất nhiên, chúng ta chưa thể so bì với các cường quốc như Trung Quốc. Nhưng nếu kiểm soát tốt hơn, chúng ta có thể tìm ra nhiều VĐV tiềm năng để nâng phong trào chạy bộ lên tầm châu Á thay vì ở trong nước như hiện nay.
Sẵn đây, tôi cũng xin chia sẻ lý do chọn chạy trail thay vì chạy road dù thành tích marathon của tôi cũng rất tốt. Lý do bởi nếu chạy road, sẽ chỉ có người Việt Nam biết đến tôi và tôi cũng không có khả năng đi Olympic hay thậm chí cạnh tranh với các VĐV châu Á. Vì chạy bộ Việt Nam chưa đủ nền tảng cạnh tranh ở những đấu trường đó. Nhưng nếu chạy trail, tôi có thể thi đấu ngang ngửa với các VĐV top đầu thế giới. Tôi cảm thấy bản thân đủ khả năng đưa Việt Nam ra bản đồ trail thế giới và mọi người sẽ biết Việt Nam có VĐV chạy trail tốt như vậy.
– Kế hoạch thi đấu năm tới của chị thế nào?
– Các giải trail vẫn là ưu tiên cao nhất, nhưng chắc chắn, tôi sẽ tham gia một giải chạy road, cự ly full marathon vào cuối năm. Kế hoạch là sau giải UTMB vào tháng Chín, tôi sẽ nghỉ ngơi rồi lên giáo án tập luyện riêng cho một giải full marathon để có thành tích tốt nhất.
– Lịch trình tập luyện mỗi tuần của chị hiện thế nào?
– Hiện, tôi vẫn tập phục hồi sau giải Doi Inthanon ở Thái Lan. Mục tiêu lớn nhất trong năm 2024 là giải CCC của UTMB. Để cạnh tranh ở giải này, tôi phải tập tốc độ nhiều hơn độ dài, sức bền. Hiện, tôi mới có sức bền. Nhưng ở CCC, tốc độ của các VĐV rất khủng khiếp.
Một tuần, tôi tập ba bài tốc độ, xen kẽ vào tempo và interval. Sau đó sẽ có một buổi chạy dài khoảng 30 km, nhưng xen kẽ sẽ có 15 phút interval. Đó là phương pháp quan trọng để cải thiện tốc độ. Cuối tuần, tôi cũng sẽ có một buổi chạy dài, nhưng chỉ là chạy bình thường để luyện sức bền chứ không có yêu cầu tốc độ. Ngoài ra, sẽ có một ngày tôi tập xe đạp. Giữa các buổi chạy tốc độ, tempo, interval và chạy dài, tôi sẽ dành một ngày để chạy nhẹ hoặc nghỉ ngơi hoàn toàn.
– Nhiều runner tự hào và xem chị là nguồn cảm hứng trong tập luyện, chị nghĩ sao về điều này?
– Tôi rất vui. Bởi tôi mới đến với chạy bộ nhưng đã gặt hái một số thành công. Tôi vui hơn bởi được biết tới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Thậm chí, tôi nghĩ người hâm mộ tôi ở nước ngoài nhiều hơn Việt Nam, thể hiện qua lượng follow trên mạng.
Tôi nghĩ những gì bản thân đạt được không chỉ dành riêng cho mình mà còn cho mọi người Việt Nam và đặc biệt là các bà mẹ đơn thân trên thế giới này. Vì nếu tôi làm được, thì mọi người cũng làm được. Chỉ cần cố gắng và tập luyện khoa học. Cái quan trọng là duy trì tập luyện mỗi ngày. Đó là chìa khóa giúp tôi đạt thành công như hôm nay.
– Theo chị, runner Việt Nam cần làm gì để hướng đến sự chuyên nghiệp?
– Tôi chỉ muốn nói đến sự chuyên nghiệp cho những ai muốn theo đuổi thể thao nghiêm túc. Tôi nghĩ ở Việt Nam lúc này, mọi người vẫn tập luyện theo kiểu học hỏi từ nhau là chính. Ở nước ngoài, một VĐV có ít nhất ba HLV. Trong đó, một người lo về dinh dưỡng, sẽ cho bạn ăn những gì tốt nhất và kiểm soát ăn uống để bạn tập luyện. Một HLV chuyên về tập bổ trợ sức mạnh cơ bắp và một HLV chuyên về chạy. Phải nói rằng VĐV nước ngoài chịu đầu tư, và họ đầu tư rất bài bản và khoa học. Tôi nghĩ rằng muốn thành công thì phải đầu tư như họ. Về khía cạnh khoa học thể thao, họ đều đã tiếp cận tới mức tiên tiến hết rồi.
Hà Thị Hậu sinh năm 1989 ở Lào Cai. Cô làm hướng dẫn viên du lịch và bắt đầu tập chạy vào năm 2020, trong thời Covid-19. Hà Thị Hậu nhanh chóng bộc lộ tài năng thiên phú khi vô địch bảy giải trail liên tiếp, trong đó ấn tượng nhất là chức vô địch cự ly 70 km dành cho nữ ở giải Vietnam Trail Marathon 2021 tại Mộc Châu ngay trong lần đầu thi đấu nội dung này. Hà Thị Hậu đang là nữ VĐV phong trào có thành tích full marathon tốt nhất Việt Nam: 2 giờ 56 phút 50 lập tại VnExpress Ho Chi Minh Midnight 2023. Tháng 9/2023, cô gây tiếng vang khi về thứ tư nữ cự ly 101 km (CCC: Courmayeur – Champex – Chamonix) ở giải Ultra-Trail du Mont-Blanc (UTMB) tại Pháp. Đây được xem là giải vô địch trail toàn thế giới, quy tụ những VĐV hàng đầu. Tháng 12, Hà Thị Hậu tiếp tục chứng tỏ khả năng với chức vô địch cự ly 100km nữ ở giải Doi Inthanon Thái Lan, một trong những giải thuộc hệ thống UTMB. |
Quang Huy – Vnexpress.net