Hơn 300 học sinh phải học nhờ
Trường tiểu học Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội chia làm hai điểm trường. Điểm trường chính tọa lạc nơi cao ráo trong khi điểm lẻ nằm bên bồi của sông Đáy, cách bờ sông khoảng 400-500m, thuộc địa phận thôn Thái Bình, xã Vạn Thái.
Xã Vạn Thái nằm phía tây huyện Ứng Hòa, cách trung tâm huyện 3 km. Xã nằm dọc theo sông Đáy và quốc lộ 21B, có địa hình thấp nên một số thôn dễ có nguy cơ ngập lụt. Thái Bình là một trong thôn như vậy.
Một số người già khẳng định như đinh đóng cột, cho dù có dễ lũ lụt thì trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, thôn Thái Bình cũng không thể ngập sâu thế này, chỉ hơn một ngày, nước dâng lên khoảng 1,2m.
Theo kinh nghiệm của một số người dân, dự tính phải hơn 10 ngày nữa nước lũ trước cửa trường này mới rút hết.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Thái cho biết, ngày 10/9, địa phương thông báo nguy cơ lũ dâng cao.
“Ngày 11/9, sau khi tan giờ học buổi sáng, nhà trường huy động toàn bộ cán bộ nhân viên nhà trường chuyển toàn bộ bàn ghế, bảng đen, phương tiện dạy học của toàn trường đến điểm chính Trường tiểu học Vạn Thái và trường mầm non cách đấy khoảng 2km.
Sau hơn 5 giờ đồng hồ, chúng tôi chuyển toàn bộ phương tiện dạy học của 12 lớp sang điểm trường chính và trường mầm non để học tạm”, ông Thịnh nói.
Được biết Trường tiểu học Vạn Thái có hơn 800 học sinh, trong đó điểm lẻ hơn 300 học sinh, với 12 lớp. Đợt lũ này, 6 lớp của Trường tiểu học Vạn Thái phải học nhờ điểm chính, 6 lớp còn lại học nhờ Trường mầm non.
Theo ông Thịnh, sở dĩ nhà trường tính chuyện học nhờ bởi địa bàn ít học sinh bị ngập, nhà trường quyết định gánh phần vất vả, di chuyển bàn ghế, bảng đen.
“Trong vòng 10 năm trở lại, đây là lần đầu tiên nhà trường phải cho học sinh đi học nhờ để tránh lũ. Việc tạm dời đi hơi vất vả cho thầy cô nhưng bù lại, học sinh ổn định ít nhất khoảng 10 ngày khi nước chưa rút”, ông Thịnh cho biết.
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa cho hay, đợt lũ này 100% các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm việc trực và bảo vệ.
“Hôm nay, toàn huyện có 4 trong tổng số 90 trường nghỉ học, ngoài ra có 1 trường dạy học trực tuyến. Các trường nước lũ đã rút hiện đang khẩn trương tổng vệ sinh, rà soát các điều kiện cần thiết để 13/9, tổ chức đón học sinh trở lại trường bình thường”, ông Thắng nói.
Giáo viên bế con đến trường di tản
Cũng trong ngày 12/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cùng Ban Giám đốc đến thăm và động viên giáo viên, học sinh quận Hoàn Kiếm bị ảnh hưởng bởi mưa lớn sau cơn bão số 3. Đoàn “vượt lũ” đến thăm một số gia đình học sinh Trường tiểu học Chương Dương hiện đang ngập sâu trong nước.
Mặc dù nước lũ đang rút chậm ra khỏi nhà dân nhưng giao thông nhiều tuyến phố hoặc ngõ ngách của phường Chương Dương vẫn ngập ngang đầu gối, cộng với mất điện khiến sinh hoạt của người dân bất tiện.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, tính đến hết ngày 12/9, toàn quận có 5 trong tổng số 38 trường tạm dừng đón học sinh học tập trực tiếp, gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học sở.
Trong số này, 2 trường mầm non cho trẻ nghỉ ở nhà hoàn toàn, các trường còn lại tổ chức học tập trực tuyến. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương cho biết, toàn trường có khoảng 110 học sinh phải nghỉ học do gia đình nằm trong khu vực ngập nước. Nhà của nhiều giáo viên cũng nằm trong khu vực nước lũ.
Vì vậy, nhà trường đã báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho phép học sinh nghỉ học từ chiều ngày 11/9 và chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngày 12/9 cho đến khi thời tiết ổn định, trường học bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, Trường Tiểu học Chương Dương còn sử dụng cơ sở vật chất và các phòng học từ tầng 2 đến tầng 4 làm nơi tránh mưa lũ cho một số người dân và gia đình giáo viên của trường.
Cô giáo Nguyễn Lê Thủy Quang, giáo viên nhà trường chia sẻ, do nhà nằm trong vùng lũ nên cô và gia đình đã phải di tản đến trường để ở và dạy học. Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ tối đa khiến cô rất yên tâm và rất cảm động.
Hiện Hà Nội có 236 trường tạm dừng đón học sinh học trực tiếp do ảnh hưởng của mưa lớn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, toàn ngành xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Căn cứ tình hình thực tế, các trường đều linh hoạt các hình thức dạy học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì việc học tập. Các nhà trường cũng đang khẩn trương rà soát, tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai để sớm đón học sinh trở lại trường học.
Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trao hỗ trợ cho Trường Tiểu học Chương Dương, tặng quà cho học sinh một số trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa. Đây là những địa bàn ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt.
Chiều 12/9, bà Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà cho học sinh một số trường học bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa. Theo báo cáo nhanh của huyện Mỹ Đức, toàn huyện có 6 trường cho học sinh nghỉ học do ngập nước. Tổng số học sinh nghỉ học là gần 2.900 em.
Bà Nguyễn Thị Như Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B (huyện Mỹ Đức) cho biết, nhà trường có 683 học sinh, trong đó có hơn 100 em có nhà bị ngập, điều kiện gia đình khó khăn. Nhà trường đã dự phòng phương án hỗ trợ học sinh nếu vài ngày tới nước lũ vẫn chưa rút hoặc gia đình các em vẫn còn ngập.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ha-noi-lu-dang-12m-hon-300-hoc-sinh-khan-goi-hoc-nho-20240912234457000.htm