Nâng cấp 5 tuyến hiện có, xây mới 6 tuyến
Tư vấn cho hay, phạm vi quy hoạch được nghiên cứu bao gồm từ TP Hà Nội đến trung tâm các tỉnh giáp ranh gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Quy hoạch được lập cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục định hướng phát triển mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội, đồng thời điều chỉnh một số tuyến đường sắt hướng tâm để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới.
Cụ thể, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi – Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm thành phố Hà Nội). Các đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên và Gia Lâm – Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi.
Nhằm cụ thể hóa định hướng này, Tư vấn TEDI-CCTDI đề xuất tại khu vực đầu mối TP Hà Nội, sẽ quy hoạch 8 tuyến đường sắt.
Trong đó có 5 tuyến đường sắt hiện hữu: Tuyến Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên, tuyến Hà Nội – Lào Cai, tuyến Hà Nội – TP.HCM.
Cùng đó quy hoạch xây mới 6 tuyến đường sắt. Tuyến đường sắt vành đai phía Đông (Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Thạch Lỗi), phạm vi được phân làm hai đoạn: Đoạn từ Ngọc Hồi – Lạc Đạo kết nối tuyến phía Nam đi TP.HCM với tuyến phía Đông đi Hải Phòng. Đoạn từ Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi kết nối đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với đường sắt phía Tây tuyến Hà Nội – Lào Cai và đường sắt phía Bắc tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên.
Phạm vi tuyến vành đai phía Đông từ Ngọc Hồi – Thạch Lỗi dài khoảng 65,1km, qua các ga thuộc địa phận thành phố Hà Nội bao gồm: Ngọc Hồi, Trung Màu, Yên Thường, Đông Anh, Bắc Hồng, Thạch Lỗi. Ngoài ra trên tuyến có ga Hưng Long và ga Lạc Đạo thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây (Thạch Lỗi – Tây Hà Nội – Ngọc Hồi) nối ray trên đường sắt Hà Nội – Lào Cai sau đó tuyến đi theo hướng tuyến vành đai 4 đường bộ (song song phía ngoài vành đai 4), vượt sông Hồng tại cầu mới Hồng Hà, qua khu vực Hà Đông nối về yết hầu Nam ga Ngọc Hồi. Phạm vi tuyến vành đai phía Tây mới từ Ngọc Hồi – Thạch Lỗi dài khoảng 50,2km, qua các ga: Phùng, Tây Hà Nội, Hà Đông.
Cùng đó quy hoạch xây mới các tuyến: Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, chiều dài hướng tuyến trong khu đầu mối TP Hà Nội khoảng 65km, điểm đầu là ga đường sắt tốc độ cao tại tổ hợp Ngọc Hồi, điểm cuối tại Km 65+060 thuộc địa phận tỉnh Hà Nam; Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ 1.435mm; Tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; Tuyến Hà Nội – Lạng Sơn (xây mới).
Quy hoạch 4 ga đầu mối chính, đường sắt quốc gia không xuyên tâm
Cùng với quy hoạch tuyến, tư vấn lập quy hoạch đã đề xuất phương án quy hoạch chi tiết 4 ga đầu mối đường sắt.
Theo đó, ga Ngọc Hồi được xây dựng trong khu tổ hợp Ngọc Hồi tại khu vực xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; là ga đầu mối phía Nam với chức năng chính là đón gửi, lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Nam sông Hồng.
Tổng diện tích chiếm đất toàn bộ khu tổ hợp khoảng 250ha, gồm: Ga đường sắt tốc độ cao, ga khách đường sắt quốc gia thường, ga hàng hóa, xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp toa xe khách, xí nghiệp toa xe hàng, xí nghiệp bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, depot đường sắt tốc độ cao… Tuy nhiên, theo tư vấn, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu hoạch định chi tiết cùng với quá trình lập dự án liên quan như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 và tuyến số 6; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam…
Ga Lạc Đạo mới được xây dựng tại khu vực xã Lạc Đạo và xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, có chức năng chính là ga lập tàu khách, tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Đông và kết nối, trung chuyển hành khách giữa tàu đường sắt quốc gia và tàu đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội.
Nhà ga có nhiệm vụ: Tổ chức đón tiễn hành khách đường sắt quốc gia cho các tuyến đường sắt khổ 1.000mm Hà Nội – Hải Phòng và tuyến đường sắt khổ 1.435mm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; đón gửi tàu khách; giải thể lập tàu khách; đón gửi tàu hàng; giải thể lập tàu hàng tuyến phía Đông khu đầu mối; tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe khách, toa xe hàng; có quy hoạch dự trữ đất cho phát triển ga và depot đường sắt đô thị.
Ga Yên Thường được xây dựng tại khu vực xã Yên Thường, TP Hà Nội và phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; chức năng chính là lập tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Bắc sông Hồng.
Ga có nhiệm vụ: Đón gửi tàu khách thông qua; đón gửi tàu hàng; giải thể lập tàu hàng đi các tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Lạng Sơn; tổ chức xếp dỡ, bảo quản hàng hóa; tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe hàng; có quy hoạch dự trữ đất cho phát triển mở rộng ga trong tương lai.
Ga Yên Viên mới được xây dựng tại khu vực ga Yên Viên hiện nay có chức năng chính là ga lập tàu khách cho các tuyến đường sắt phía bắc sông Hồng và kết nối, trung chuyển hành khách giữa tàu đường sắt quốc gia và tàu đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội.
Ga có nhiệm vụ: Tổ chức đón tiễn hành khách đường sắt quốc gia cho các tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh; đón gửi tàu khách; giải thể lập tàu khách; tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe khách.
Tư vấn cũng đưa ra định hướng kết nối với các phương thức vận tải khác. Trong đó, đối với những ga hành khách nằm trong trung tâm thành phố, đô thị lớn, không đặt vấn đề quốc lộ, cao tốc kết nối trực tiếp vào mà đường đô thị hoặc đường chuyên dùng đảm nhận chức năng này.
Về kết nối với hệ thống đô thị, khu du lịch, khu vực có chân hàng, hệ thống đường sắt quốc gia trong khu vực đầu mối TP Hà Nội dự kiến sẽ không tổ chức khai thác xuyên tâm hoặc hướng tâm vào sâu trong đô thị lõi. Việc kết nối đô thị sẽ được thực hiện thông qua hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, taxi, đường sắt đô thị.