GS.NGND Đoàn Quỳnh – một nhà trí thức uyên bác, tài hoa, am hiểu nhiều lĩnh vực toán học và giáo dục toán học đã qua đời vào hồi 14h25 ngày 12/11.
GS Đoàn Quỳnh là một trí thức thuần túy; dù bắt gặp ông trong khoảnh khắc nào, ta đều thấy toát lên cốt cách của một người trí thức. Ông thuộc về số rất ít những ngoại lệ của các “định luật số đông” mỗi người diễn nhiều vai (William Shakespeare) và chích một giọt máu thường xét nghiệm: tí trí thức – tí thợ cày – tí… (Nguyễn Duy).
GS Đoàn Quỳnh sinh ngày 27/8/1933 trong một gia đình trí thức. Con người ông trước hết được hun đúc từ truyền thống gia đình. Thân mẫu ông, cụ Đặng Thị Hiếu (Ninette Jean), vốn là một nữ sinh xinh đẹp và thông minh trường Đồng Khánh, Huế. Đẹp người, đẹp nết, nhưng cụ Đặng Thị Hiếu mất sớm, khi mới 35 tuổi.
Thân phụ Đoàn Quỳnh, cụ Đoàn Nồng, là một trí thức tây học. Sau Cách mạng tháng tám, giai đoạn 1946-1954, nhà giáo Đoàn Nồng làm Hiệu trưởng Trường Lam Sơn (Thanh Hóa). Sau khi hòa bình lập lại, thầy Đoàn Nồng ra Hà Nội làm Hiệu phó Trường Chu Văn An, rồi tiếp đó, về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội làm cán bộ giảng dạy tiếng Pháp và nghỉ hưu năm 1968.
Tốt nghiệp Khóa 1, ban Toán, Trường ĐH sư phạm Hà Nội năm 1956, Đoàn Quỳnh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và đến năm 1961 được cử đi đào tạo NCS tại Trường Đại học tổng hợp Lomonosov (Liên Xô). Ông thuộc thế hệ trí thức đầu tiên được đào tạo bài bản từ đại học theo hệ thống giáo dục XHCN. Ở Lomonosov, ông nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của GS Rashevsky, chủ nhiệm bộ môn Hình học vi phân.
Kết quả nghiên cứu lớn nhất của ông trong giai đoạn mở đầu này được công bố năm 1968 trong một bài báo dày 60 trang với nhan đề Đa thức Poincaré của các không gian Riemann thuần nhất compact với nhóm dừng bất khả quy – góp phần vào việc phân loại nhóm Lie, một công trình nhiều năm sau vẫn còn được trích dẫn.
Ông và những giảng viên toán cùng lứa tuổi bước vào giai đoạn hăng hái nhất của sự nghiệp khi cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, đất nước khó khăn về mọi mặt, nhưng vượt lên tất cả, các hoạt động học thuật của họ vẫn diễn ra nghiêm túc.
Năm 1967, giữa bom đạn chiến tranh, nhà toán học vĩ đại của thế kỷ 20, Grothendieck thực hiện chuyến đi tới miền Bắc nước ta. Trong 21 ngày ở Việt Nam, Grothendieck có một chuỗi các bài giảng về những vấn đề nền tảng của toán học hiện đại. Đoàn Quỳnh, một trong những nhà toán học tài năng nhất trong những người tham dự, được lựa chọn làm phiên dịch cho Grothendieck.
Chuyến đi để lạị trong Gorthendieck ấn tượng ấn tượng sâu sắc và đã dẫn đến Định lý tồn tại một nền toán học Việt Nam. Phép chứng minh của định lý này được Grothendieck trình bày trong một bài viết (bản tiếng Anh).
Sự kiện Grothendieck đã đi vào lịch sử toán học Việt Nam như một trang huyền thoại, bài viết của ông lưu lại cho ta một bức tranh tuyệt đẹp, trong đó có hình ảnh Đoàn Quỳnh, về sinh hoạt học thuật của các nhà toán học Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất của dân tộc.
GS Đoàn Quỳnh là một trí thức uyên bác, am hiểu nhiều lĩnh vực toán học và giáo dục toán học. Khả năng ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga) tốt đã giúp ông học rộng, biết nhiều, đạt văn hóa cao. Trên bục giảng, qua trang sách, trong trao đổi, đàm đạo, Đoàn Quỳnh có sức hút từ sự tinh tế và uyên thâm. Ông là một địa chỉ đầu tiên nhiều học trò, đồng nghiệp tin cậy tìm đến mỗi khi cần sự chỉ bảo, tư vấn, trao đổi cho những băn khoăn thuộc hiểu biết toán học hay giáo dục toán học.
GS Đoàn Quỳnh là một người làm nhiều, thực làm và làm thật. Ông thuộc số ít những nhà toán học Việt Nam có hoạt động nghề nghiệp và chuyên môn vô cùng phong phú và bền bỉ, tham gia sâu rộng vào nhiều khía cạnh của tất cả các mặt: Nghiên cứu, đào tạo, phổ biến toán học, từ đại trà đến tài năng, từ phổ thông đến bậc cao.
Ông là trưởng bộ môn Hình học của khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà nội từ năm 1967 đến khi nghỉ hưu năm 2003. Seminar của Bộ môn dưới sự chủ trì của ông đã hoạt động nghiêm túc và đều đặn liên tục từ những năm 1970, nhằm không ngừng nâng cao trình độ cho các thành viên trong bộ môn và đào tạo các nhà toán học trẻ. Các vấn đề về Hình học vi phân toàn thể, Đa tạp Grassman, Các đường trắc địa đóng, Tô pô vi phân, Hình học phức hyperbolic, Hình học đại số, Lý thuyết phân bố giá trị,…đã được trình bày ở seminar này.
Ông là một người nghiêm túc và gương mẫu trong công việc, chu toàn và tế nhị trong cuộc sống, được mọi người tôn trọng và kính trọng. Ông có ảnh hưởng lớn và bền lâu tới bộ môn về nhiều mặt, đặc biệt về tinh thần lấy học thuật làm trọng, nghiêm khắc và cẩn trọng trong học thuật.
Bắt đầu từ năm 1979 và được duy trì một số năm sau đó, Seminar Hình học – Tôpô – Đại số liên kết giữa Viện Toán, ĐH tổng hợp, ĐH Sư phạm do ông cùng các giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, Hoàng Xuân Sính, Huỳnh Mùi chủ trì đã thúc đẩy nghiên cứu toán của nhiều cá nhân trong cộng đồng toán học Việt Nam. Nhiều tiến sỹ trẻ tham gia seminar thời kỳ đó sau này trở thành những nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam như Ngô Việt Trung, Đỗ Ngọc Diệp, Nguyễn Hữu Việt Hưng, Hà Huy Vui, Nguyễn Tự Cường…
Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, việc tuyển chọn NCS đi học nước ngoài được giao cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức. Các ứng viên ngành Toán phải thi ba môn: Giải tích và Đại số tuyến tính, môn chuyên ngành, môn chuyên sâu. GS Đoàn Quỳnh nhiều năm được Bộ phân công phụ trách ra đề và chấm phần Đại số tuyến tính.
Không chỉ có đóng góp lớn trong bồi dưỡng, đào tạo các nhà toán học, ông còn dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo học sinh có năng khiếu toán. Nhiều năm liền ông tham gia tuyển chọn, dẫn đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic toán quốc tế. Nhiều học sinh trong đội tuyển toán ngày đó nay đã trở thành các nhà toán học nổi tiếng như Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường, Nguyễn Tiến Dũng.
GS Ngô Bảo Châu vẫn còn nhớ cuốn sách toán học cao cấp đầu tiên ông có được là từ GS. Đoàn Quỳnh – cuốn sách giúp cậu học trò vô địch toán quốc tế sớm nhận ra nhiều khác biệt giữa học toán cao cấp và học toán sơ cấp. Đoàn Quỳnh cũng là chủ biên của một bộ sách có tính chất giáo khoa và nhiều sách tham khảo cho đào tạo học sinh chuyên toán THPT.
Hơn bốn mươi năm qua, ông có đóng góp đặc biệt to lớn đối với giáo dục phổ thông về môn toán. Ông là chủ tịch Hội đồng bộ môn toán của Bộ giáo dục và đào tạo từ năm 1992 đến năm 2008, và theo từng giai đoạn, ông là Chủ biên sách giáo khoa Hình học THPT, Chủ biên chương trình môn Toán THPT, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Toán THPT (bộ nâng cao). Cho tới những năm cuối đời, ở tuổi ngoài 90, ông vẫn là chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn toán THCS (theo chương trình mới).
Thật may mắn cho giáo dục Việt Nam khi những việc quan trọng như vậy đã được các lãnh đạo giáo dục ngày đó biết trao cho một người có văn hóa cao, có nhân cách lớn, tâm huyết và trách nhiệm như ông!
Là một giáo sư đầu ngành của một trường đại học hàng đầu của cả nước, Đoàn Quỳnh đã để lại nhiều bộ giáo trình hình học được biên soạn công phu, được đánh giá cao. Ông cũng là chủ biên của một cuốn từ điển toán học và một số sách phổ biến toán học. Với những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục, ông đã được nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1984 và danh hiệu NGND, Huân chương lao động.
GS Đoàn Quỳnh là một người tĩnh lặng, bản lĩnh nhưng khiêm nhường. Uy tín, vị thế của ông hình thành từ sự đóng góp, tài năng, đạo đức, nhân cách và tinh thần làm việc. GS Đoàn Quỳnh đã từ biệt thế giới này, vào hồi 14h25 ngày 12/11. Tang lễ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, vào lúc 11h45 ngày ngày 13/11. Câu cuối cùng ông nói với chúng tôi là: “Các cậu cho mình gửi lời chào mọi người!”.
Hiền tài ra đi, nguyên khí ở lại!
GS.TSKH Trần Văn Tấn (Trưởng bộ môn Hình học, Trường ĐHSPHN) và PGS.TS Nguyễn Doãn Tuấn (Nguyên Phó trưởng bộ môn Hình học, Trường ĐHSPHN)
Nhà Toán học nổi tiếng thế giới rời Mỹ về đại học châu Á giảng dạy
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên làm Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục Toán học ‘cần một phen đổi mới’
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gs-ngnd-doan-quynh-mot-nha-su-pham-mot-nhan-cach-lon-2341371.html