Ngày 19-9, Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023 – 2025.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu rõ thực tế cũng như các nguyên nhân dẫn đến công tác phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Ông Đăng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn cho biết trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, mạnh trường nào thì trường đó nói khiến học sinh bị rối, không có sự tập trung. Từ thực tế đi tư vấn, ông Đại cho hay giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa chuyên nghiệp, cần phải được đào tạo và bồi dưỡng thêm. Hơn nữa, việc tổ chức tư vấn phân luồng tại các trường chưa tập trung.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp nhìn nhận công tác phân luồng dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng công tác tư vấn phân luồng vẫn còn nhiều hạn chế, khiến TP HCM chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tại các trường học không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp…
Tại hội nghị, ông Đại đề xuất trong kỳ thi lớp 10 sắp tới, Sở GD-ĐT xem xét có thêm nguyện vọng vào các trường nghề. Ngoài 3 nguyện vọng quen thuộc, nguyện vọng thứ 4 là danh mục các trường nghề để các em chọn lựa. Chính điều này sẽ phần nào giúp các giáo viên chủ nhiệm lớp 9, các trường THCS nắm bắt để định hướng phân luồng hiệu quả đối với học sinh có nhu cầu.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho biết công tác tư vấn, hướng nghiệp và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường phổ thông đóng vai trò quan trọng giúp các em định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, từ khối lượng công việc đối với giáo viên đến sự thiếu hụt về cơ sở vật chất…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thuý – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết theo kết quả báo cáo công tác tuyển sinh hàng năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp bình quân hàng năm khoảng 26,19%. Như vậy, theo chỉ tiêu phấn đấu của đề án mà Thủ tướng phê duyệt thì TP HCM còn một khoảng cách rất xa, tuy nhiên điều kiện kinh tế xã hội của TP khác với tỉnh thành khác.
Bà Thúy đề nghị các đơn vị cần tập trung cho công tác tuyên truyền cụ thể tuyên truyền hướng nghiệp, tuyên truyền cho giáo viên, cho phụ huynh về chuyện học nghề và chọn nghề phù hợp cộng với phân luồng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng học sinh. Sở GD-ĐT phải tạo điều kiện cho các trường nghề được tiếp cận và tham gia bình đẳng trong các chương trình tuyển sinh.
“Chúng ta phân luồng, hướng dẫn cho các em chọn nghề nhưng khi đến với trường nghề thì trường nào cũng hạn chế cơ sở vật chất, ít trường chú trọng đầu tư. Trường không hấp dẫn thì làm sao phụ huynh chọn. Chúng ta đào tạo nghề nhưng máy móc từ cách đây 20 năm thì làm sao hấp dẫn doanh nghiệp….” – bà Thúy nói.
Cũng theo bà Thúy, kỹ năng nghề rất quan trọng. “Các em học hết lớp 9, phân luồng qua học xong trường nghề sau đó tốt nghiệp trường nghề có bằng. Khi tốt nghiệp chỉ có 18 tuổi quá non nớt vì thế khi gia nhập thị trường lao động nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo lắng. Do đó kỹ năng nghề, kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc rất cần. Đề nghị các trường cần phải quan tâm đến vấn đề này để doanh nghiệp tuỷển dụng người ta an tâm về thế hệ đảm bảo chất lượng nghề cũng như kỹ năng làm việc.
Nguồn: https://nld.com.vn/tp-hcm-de-xuat-co-them-nguyen-vong-vao-truong-nghe-khi-thi-lop-10-196240919192209897.htm