Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây là cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai diễn ra ngày 1.12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Từ đó, tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
“Các cơ hội có thể kể đến như sự đa dạng sắc tộc, coi sự đa dạng này là một lợi thế trong kinh tế sáng tạo; xu hướng phát triển thuận thiên, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tín chỉ carbon; chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam. Khả năng thu hút đầu tư vào ngành mới do nâng cấp quan hệ đối tác; các xu hướng du lịch quốc nội và quốc tế; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương để thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển” – bộ trưởng chỉ rõ.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng – đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch – đánh giá Trung du và miền núi phía Bắc như một bức tranh đa sắc màu nhưng lại có sự chênh lệch về tăng trưởng giữa các vùng. 3 điểm nghẽn chính hiện nay là liên kết nội vùng và liên vùng còn hạn chế, chênh lệch phát triển nội vùng lớn, chất lượng nguồn nhân lực thấp.
Trên cơ sở nghiên cứu, ông Nguyễn Đỗ Dũng đề xuất hình thành 4 tiểu vùng để cùng phát triển kinh tế xã hội và chia sẻ đầu tư. Từ đó, gia tăng khả năng phối hợp giữa các địa phương để cùng phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển hạ tầng dùng chung và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó thiên tai.
Cụ thể, tiểu vùng 1 – tiểu vùng phía Tây (Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình) sẽ là khu vực tăng trưởng xanh gắn với nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và năng lượng sạch. Hoà Bình là cực tăng trưởng và Sơn La là trung tâm chế biến nông sản và dịch vụ xã hội.
Tiều vùng 2 – tiểu vùng Tây Bắc (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ) sẽ là vùng du lịch tầm cỡ, đầu mối giao thương kinh tế, văn hoá với Vân Nam và các tỉnh Tây Nam (Trung Quốc). Hai cực tăng trưởng ở Lào Cai và Phú Thọ.
Tiểu vùng 3 – Tiểu vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng) là nơi có trung tâm công nghiệp, giáo dục và y tế của cả vùng, vừa là nơi giữ gìn lịch sử, cội nguồn với tiềm năng phát triển du lịch về nguồn.
Tiểu vùng 4 – Tiểu vùng phía Đông (Lạng Sơn, Bắc Giang) là nơi có tăng trưởng lớn, trung tâm công nghiệp của vùng, vừa có cửa khẩu quốc tế quan trọng bậc nhất với vai trò kết nối giao thương kinh tế, văn hoá với Quảng Tây và các tỉnh phía Nam Trung Quốc.