Ngày 18/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Tây Balkan, đánh dấu cuộc họp đầu tiên trên cương vị mới của ông.
Các lãnh đạo EU và Tây Balkan chụp ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 18/12 ở Bỉ. (Nguồn: Anadolu) |
Tờ Anadolu cho hay, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Brussels, gửi đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ về tương lai chung của EU và Tây Balkan.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa nhấn mạnh, Tây Balkan là “trái tim” của EU và dù Hội nghị không đặt trọng tâm vào việc mở rộng khối, nhưng tiến trình này vẫn là động lực chung.
Theo ông, việc mở rộng EU không chỉ mang lại thịnh vượng cho các quốc gia thành viên mới mà còn là khoản đầu tư chiến lược để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Một điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị là Kế hoạch tăng trưởng kinh tế cho Tây Balkan, với con số gấp đôi trong thập kỷ tới, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm và dịch vụ công được cải thiện.
Đáng chú ý, việc EU đã đầu tư nguồn lực khổng lồ, từ tài chính đến chuyên môn và nhân lực, chưa từng có ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, thể hiện cam kết của liên minh đối với sự phát triển bền vững của Tây Balkan.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược EU-Tây Balkan. EU hiện là đối tác kinh tế lớn nhất và nhà đầu tư hàng đầu của Tây Balkan. Chủ tịch Costa khẳng định khối sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy nhất của khu vực trong tương lai.
EU cam kết tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của Tây Balkan thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu, với cam kết 6 tỷ Euro (6,22 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực đến năm 2027.
Bên cạnh đó, EU kêu gọi các quốc gia Tây Balkan tập trung vào cải cách đáng tin cậy và bền vững, lưu ý rằng, tiến trình hội nhập EU sẽ tiếp tục dựa trên năng lực thực hiện và những thành tựu cụ thể.
Liên quan việc gia nhập EU, trước đó, ngày 17/12, Hội nghị liên chính phủ lần thứ 3 giữa khối này và Albania đã diễn ra tại Brussels (Bỉ), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình gia nhập ngôi nhà chung châu Âu của quốc gia Tây Balkan.
Hội nghị tập trung vào việc khai mở chương đàm phán thứ 6 về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Đây là một lĩnh vực then chốt trong quá trình hội nhập, đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Albania Edi Rama bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán, cho rằng chương này tương đối thuận lợi đối với Albania. Ông nhấn mạnh sự hòa hợp của Albania với các chính sách của EU trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh, đồng thời khẳng định quyết tâm của quốc gia này gia nhập EU.
Thủ tướng Rama cũng thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức phía trước, nhưng tin tưởng rằng việc hội nhập khu vực Tây Balkan sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực và EU.
Albania đã chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU vào ngày 15/10 vừa qua. Quá trình này bao gồm nhiều chương đàm phán, mỗi chương tập trung vào một lĩnh vực chính sách cụ thể. Albania vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hoàn thành tất cả các chương và đáp ứng các tiêu chí gia nhập của EU.
Mặc dù vậy, Albania mới đây đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là hoàn tất các cuộc đàm phán vào năm 2027 và chính thức gia nhập EU vào năm 2030.
Nguồn: https://baoquocte.vn/goi-tay-balkan-la-trai-tim-eu-hua-hen-con-duong-hoi-nhap-mot-quoc-gia-co-buoc-tien-quan-trong-huong-toi-nha-chung-297908.html