Mỹ – thị trường tiêu thụ chủ lực của gỗ nội thất Việt Nam, tăng mua đáng kể trong quý I nhưng nhu cầu sắp tới có thể khó lường.
Do gián đoạn vì Covid, David – một nhà mua hàng từ Mỹ mới có dịp trở lại TP HCM sau 4 năm để dự Hawa Expo – hội chợ nội thất lớn nhất Việt Nam do 6 hiệp hội tổ chức đầu tháng 3.
“Tôi thực sự bất ngờ trước sự thay đổi tích cực. Các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều sản phẩm mới”, David nói. Không chia sẻ cụ thể hợp đồng nhưng nhà mua hàng này nhận định chuyến công tác “đáng giá, hiệu quả”.
Mỹ – thị trường tiêu thụ hơn một nửa sản lượng gỗ, sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, dần quay lại, kéo theo triển vọng phục hồi của ngành này năm nay. Thống kê từ Hawa Expo cho hay, 36% khách tham gia hội chợ lần này đến từ nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, quý đầu năm, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ gần 1,9 tỷ USD.
Buôn bán đầu năm thuận lợi nhưng triển vọng sắp tới của thị trường này vẫn khó đoán.
Theo Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiêu thụ các nhóm hàng liên quan đến nội ngoại thất chững lại trong tháng 3. Cụ thể, doanh số bán vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn tăng 0,7%, nhưng đồ nội thất giảm 0,3%.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây cho biết nhận được thông tin về việc DOC gia hạn điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cũng theo Bộ này, các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn. DOC đang sửa đổi, bổ sung 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và trợ cấp.
Năm nay, ngành gỗ nội thất đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD, tức trung bình mỗi quý cần bán gần 4,4 tỷ USD ra nước ngoài. Ba tháng đầu năm tăng trưởng cao nhưng áp lực đơn hàng cho các quý còn lại là không nhỏ.
Ngoài tiếp tục theo dõi mảng bán lẻ, tuân thủ các chính sách nhập khẩu của Nhà Trắng, các chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa khác để khai thác. Ông Hoàng Thăng Long, đại diện công ty Divani Designs (Mỹ) chỉ ra mảng nội thất công trình dự án du lịch, chung cư ít bị lệ thuộc vào sự bấp bênh của nền kinh tế hơn.
Năm 2026, Mỹ sẽ đăng cai World Cup, đòi hỏi các đơn vị lưu trú chuẩn bị đón khách nên nhu cầu nội thất chắc chắn tăng cao.
Song song đó, bà Giovana Castellina, Giám đốc nghiên cứu đa khách hàng Tổ chức nghiên cứu tư vấn thị trường nội thất và ngành công nghiệp CSIL tại Milan (Italy), khuyến nghị doanh nghiệp cần mở rộng hệ thống giao thương ngoài Mỹ, tìm kiếm phân khúc sản phẩm mới.
Thực tế, tại Hawa Expo vừa qua, 75% nhà triển lãm ký được hợp đồng hoặc ghi nhớ hợp tác, với tổng giá trị trên 115 triệu USD. Ngoài khách Mỹ, nhà mua hàng Ấn Độ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc cũng tấp nập đổ đến xem 500 doanh nghiệp, với 80% là nhà cung ứng Việt Nam trình diễn năng lực.
Trong nhóm này, Nhật Bản duy trì sức mua ổn định, trên 400 triệu USD trong quý I. Kim ngạch xuất sang Ấn Độ ít, nhưng tăng trưởng hơn gấp đôi, hơn 31,2 triệu USD.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc thương hiệu Abella cho biết thị trường mục tiêu của họ Ấn Độ, Campuchia, Mozambique… Theo ông, đây là những vùng chưa có điều kiện về sản xuất nguyên liệu, trình độ thi công hạn chế, cần giải pháp thi công nội thất trọn gói.
Viễn Thông