Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Mực nhảy Biển Đông, khi nói về tiềm năng nuôi biển ở nước ta.
Theo ông, mực là hải sản chứa nhiều dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể nhiều protein và các nguồn khoáng chất thiết yếu. Song, nguồn mực cung ứng ra thị trường dựa hoàn toàn vào đánh bắt ngoài tự nhiên, trong khi nhu cầu về loại hải sản này ngày càng lớn. Nếu không tái tạo nguồn lợi thì mực ngoài tự nhiên sẽ dần cạn kiệt.
Nghĩ vậy, ông Ngọc bắt đầu kế hoạch nghiên cứu nhân nuôi con mực từ năm 2021. Mô hình thí điểm nhân nuôi mực được thực hiện trong môi trường bán tự nhiên ở khu vực biển Vĩnh Hy (Ninh Hải, Ninh Thuận) với diện tích 180m2.
Tận dụng các dòng hải lưu, ông đưa lồng nuôi với kích thước rất lớn ra vùng biển cách bờ 3 hải lý, sau đó định vị và hạ lồng nuôi xuống.
Những ngày đầu, do chưa có nguồn giống, ông phải mua mực bố mẹ của ngư dân đánh bắt trên biển mang về các lồng nuôi sinh sản. Cứ mỗi cặp mực bố mẹ đẻ ra được 10.000 trứng/lần. Nguồn trứng này được mang về bờ để ấp nở thành mực con. Con giống đủ ngày tuổi, ông lại mang ra biển thả vào lồng nuôi thành mực thương phẩm.
Chỉ nuôi thí điểm nhưng kết quả đem lại rất khả quan. Mực đẻ trứng nhiều, tỷ lệ ấp nở thành con rất cao và triển tốt, ông cho hay.
Năm 2022, ông Ngọc chuyển về khu C3, xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) thuê mặt nước của người dân để mở rộng mô hình nuôi lên vài nghìn mét vuông. Các lồng nuôi mực làm bằng nhựa HDPE với diện tích lớn, đặt nổi trên mặt biển cách bờ 3 hải lý, xung quanh phủ lưới dài xuống tận đáy biển.
Dưới đáy lồng, ông thả rong sụn tạo môi trường biển tự nhiên để mực sinh sản và phát triển. Trứng mực sau khi đẻ sẽ bám vào rong sụn. Khoảng 10 ngày sau, trứng mực được mang ấp trong bể nước sục oxy độ mặn 26 phần nghìn. Trải qua quá trình ấp từ 5-7 ngày, trứng nở ra mực con.
Công đoạn ấp nở mực con, ông Ngọc giao cho các các hộ dân liên kết ở địa phương. Con giống mực nuôi khoảng 25-30 ngày, ông mua lại với giá 2.000 đồng/con để đem thả vào lồng ngoài biển nuôi. Mực thương phẩm thả nuôi 5-6 tháng sẽ cho thu hoạch.
Thành công với mô hình nhân nuôi mực giống và mực thương phẩm, mỗi tháng doanh nghiệp của ông Ngọc cung ứng ra thị trường 3-5 tạ mực nhảy (mực sống). Cao điểm có thể cung ứng tới 1-2 tấn mức, với giá bán dao động từ 250.000-350.000 đồng/kg. Tính ra, lợi nhuận đạt 500-600 triệu đồng/vụ.
Theo ông Ngọc, nuôi mực thương phẩm trên biển chỉ tốn chi phí làm lồng. Với diện tích lồng 1ha có thể tốn vài tỷ đồng. Song, độ bền của lồng nuôi có thể đạt tới 50 năm, khả năng chịu va đập tốt, chống ăn mòn, phù hợp với nhiều điều kiện môi trường nước biển. Còn chi phí thức ăn khi nuôi mực thương phẩm rất nhỏ. Thậm chí, không cần cho ăn trong thời gian ngắn mực vẫn tìm được nguồn thức ăn ngoài tự nhiên.
Việc nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên thành công đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi biển ở nước ta.
Ông Ngọc cho biết, thời gian tới sẽ nhân rộng lồng nuôi mực bán tự nhiên với diện tích 40.000m2 và thu hút thêm nhiều ngư dân vào làm việc để ổn định thu nhập, tạo sinh kế và đảm bảo cuộc sống cho ngư dân ở Ninh Thuận. Song, ông mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện chứng nhận quỹ nước để mở rộng vùng nuôi. Bởi, khi có quỹ nước, doanh nghiệp chủ động phương án đầu tư, liên kết với bà con nông dân trong nuôi mực thương phẩm. Sản lượng mực đủ lớn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Nuôi mực đem lại lợi nhuận cao. Đây là lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế biển”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NN-PTNT đặt ra.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nghề nuôi biển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn các sản phẩm từ nuôi biển.
Ông đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh… Có như vậy mới tận dụng được lợi thế và tiềm năng nuôi biển ở nước ta.
Tâm An