Phổ điểm môn vật lý từ 6 đến 7 điểm
Với môn vật lý, giáo viên Huỳnh Kiều Viết Lãm, Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM), nhận xét đề thi chính thức bám sát đề minh họa về tỷ lệ câu/chương.
Đề khá nhẹ, dễ thở với thí sinh ở 30 câu đầu. Tuy vậy ít có điểm 9 trở lên và khó có 10 điểm; các câu phân loại học sinh giỏi hay và chia đều ở các chương (1,2,3,5,7). Phổ điểm dự đoán tập trung ở mức 6 đến 7 điểm.
Môn hóa học phân hóa tốt
Với môn hóa học, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), nhận xét đề thi “dễ thở”, cấu trúc và mức độ phân hóa tương đối ổn định và không nhiều biến động.
Trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Từ câu thứ 22 trở đi là các bài tập cơ bản phân hóa dần từ thấp đến cao. Độ phân hóa cao nhất nằm ở 7- 8 câu cuối gồm các câu lý thuyết tổng hợp và bài toán hóa học.
Với đề thi này, học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6 đến 7,5 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8 đến 8,75 điểm và học sinh xuất sắc nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024: ‘Các bạn làm rất nhanh rồi ngủ!’
Nhìn chung mức độ phân hóa của đề khá tốt, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Đặc biệt các câu hỏi phân hóa có thể đánh giá được học sinh giỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH tốp đầu tuyển chọn sinh viên.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, đề thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 nên các câu hỏi tương đối giữ ổn định. Hy vọng sang năm sau đề thi môn hóa học thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 sẽ tiếp cận nhiều vấn đề thực tiễn mới, tăng tính ứng dụng và gần gũi cuộc sống theo hướng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh.
Tương tự, thầy Võ Duy Thái, tổ trưởng chuyên môn tổ hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nhận xét với cấu trúc đề này, thí sinh không khó để đạt điểm 8.
Với đề thi năm nay, thầy Thái cho hay, 32 câu đầu chủ yếu là phần kiến thức nền tảng, cơ bản, các bài tập đơn giản tính theo phương trình hóa học.
Tính phân hóa thể hiện ở 8 câu cuối với mức độ các câu có độ khó tăng dần (không như các năm gần đây 8 câu cuối thường rất khó, không có sự phân hóa tăng dần), khó nhất ở 1 câu hỗn hợp Este và câu 2 vô cơ.
Với học sinh khá giỏi, nếu tập trung thí sinh hoàn toàn có thể đạt trên 9 điểm khi xử lý 4/8 câu gồm: câu thực hành, bài toán thực tế acid picric và bài tách tinh thể…
Môn sinh học giảm lượng bài tập tính toán
Ở môn sinh học, giáo viên Đoàn Thúy Nga, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét đề thi năm nay tăng số câu lý thuyết, làm bài tập. Trong đó 30 câu thuộc phần nhận biết, thông hiểu. Sự phân hóa điểm của đề thể hiện ở 10 câu cuối. Các câu hỏi được nêu dưới dạng đồ thị, hình ảnh, ứng dụng thực tiễn đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tốt kỹ năng đọc hiểu, phải có năng lực phân tích, suy luận, hiểu rõ bản chất quá trình sinh học mới xử lý tốt được.
Nói chung đề thi có cấu trúc tương tự đề thi tham khảo, có sự phân hóa tốt, phù hợp với yêu cầu của một kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên đề thi năm nay đã có tăng cường nội dung về ứng dụng thực tiễn theo hướng đề thi đánh giá năng lực.
Tương tự, giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết đề thi sinh học năm nay có giảm bài tập tính toán, tăng các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức liên quan đến thực tế.
Với đề thi không có biến động như năm 2023, thầy Võ Thanh Bình dự đoán phổ điểm tương tự năm trước, thí sinh có học lực trung bình đạt từ 5 đến 6 điểm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-nhan-xet-de-thi-tot-nghiep-thpt-cac-mon-vat-ly-hoa-hoc-sinh-hoc-185240628122801037.htm