Thực tế đòi hỏi giáo viên cũng phải tự giác ngộ, tự học hỏi, tận dụng mọi cơ hội để thay đổi bản thân, nắm bắt “làn sóng” đổi mới giáo dục, sáng tạo các thực tiễn giáo dục của riêng mình…
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, để chất lượng giáo dục nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên phải được quan tâm, chú trọng. |
Là người có nghiên cứu một số khía cạnh của giáo dục, tôi quan tâm nhiều đến các vấn đề đang đặt ra đối với ngành. Thứ nhất, sự lúng túng, thiếu đồng bộ, chưa có triết lý thông suốt trong giáo dục, đặc biệt là vấn đề dạy học tích hợp và các biện pháp kiểm tra đánh giá, bao gồm cả thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Thứ hai, vấn đề an toàn trường học khi xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Trong đó, có những nạn nhân là học sinh bị tổn hại sức khỏe tinh thần, thể chất nghiêm trọng. Đáng lo ngại là bạo lực học đường có nguy cơ leo thang, diễn biến liên tục và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hết vụ này tới vụ khác, trong đó có cả những vụ việc như ở Tuyên Quang, vượt xa cả tưởng tượng của người dân.
“Chất lượng giáo viên là vấn đề quan trọng số một trong giáo dục. Mọi cuộc cải cách đều chỉ dừng lại ở khẩu hiệu nếu không có giáo viên tốt. Cải cách giáo dục ở Việt Nam luôn gặp khó không chỉ vì vướng mắc ở những vấn đề quan trọng nhất như triết lý giáo dục, mà ngay cả khi có hướng đi đúng ở một vài phạm vi hẹp, khi thực thi vẫn ‘gặp khó’ vì không có người thực hiện”. |
Thứ ba, vấn đề nhà giáo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Những vụ ăn bớt cả bữa ăn bán trú của học sinh và chiếm dụng, thu tiền quỹ phụ huynh trái quy định (lạm thu) diễn ra ở nhiều địa phương làm cho phụ huynh bức xúc, lo lắng. Đây là vấn đề nghiêm trọng vì nó vượt qua cả giới hạn đạo đức tối thiểu, thông thường.
Thứ tư, vấn đề đời sống giáo viên và văn hóa trường học còn tồn tại nhiều vấn đề. Hiện tượng giáo viên bỏ việc nhiều rất đáng suy nghĩ. Giáo viên bỏ việc không phải chỉ vì lương thấp mà là vì môi trường làm việc cũng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực, nhiều áp lực, phải gánh nhiều việc ngoài chuyên môn, sự hoang mang khi thực thi cải cách giáo dục…
Theo tôi, rất khó có thể kỳ vọng sự thay đổi mạnh mẽ của ngành Giáo dục chỉ trong một thời gian ngắn với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng với sự năng động vốn có, các đơn vị giáo dục, những người làm giáo dục trực tiếp sẽ có những cải tiến phù hợp với thực tiễn.
Từ đó, tạo ra các thay đổi nhỏ nhưng bền vững và phù hợp với đường hướng chiến lược lâu dài. Đó là, thúc đẩy giáo dục theo hướng khai phóng, dân chủ, tôn trọng người học và tình hình thực tế, đảm bảo học thật, thi thật, làm thật. Chẳng hạn, gần đây ở Hà Nội có vài trường đưa vào thời gian đọc sách đầu giờ và học sinh tham gia rất hào hứng. Tôi nghĩ, đó là một trong những tín hiệu khả quan.
Chất lượng giáo viên là vấn đề quan trọng số một trong giáo dục. Mọi cuộc cải cách đều chỉ dừng lại ở khẩu hiệu nếu không có giáo viên tốt. Cải cách giáo dục ở Việt Nam luôn gặp khó không chỉ vì vướng mắc ở những vấn đề quan trọng nhất như triết lý giáo dục mà ngay cả khi có hướng đi đúng ở một vài phạm vi hẹp, khi thực thi vẫn gặp khó vì không có được người thực hiện.
Để có người thầy đúng nghĩa thì từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá… đều phải tôn trọng tối đa và khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi giáo viên cũng phải tự giác ngộ, tự học hỏi, tận dụng mọi cơ hội để thay đổi bản thân, nắm bắt “làn sóng” đổi mới giáo dục, sáng tạo các thực tiễn giáo dục của riêng mình.
Tôi nghĩ, muốn giáo dục thực sự có chất lượng thì mọi thứ cần phải… chậm lại. Ngành Giáo dục cần tập trung vào mấy việc cơ bản, dễ tìm kiếm được sự đồng thuận của giáo viên và người dân, cũng không quá phức tạp khi tính toán ở phương diện quản lý nhà nước.
Một là, khuyến khích giáo viên tự xây dựng và thực hiện nội dung giáo dục của mình để tạo ra các thực tiễn giáo dục đúng nghĩa. Những thực tiễn dễ tiến hành nhất sẽ là giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm sau đó đến các môn học phục vụ đời sống gần gũi khác như lịch sử, địa lý, khoa học…
Hai là, nỗ lực cải thiện văn hóa trường học đặc biệt là hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật và văn hóa đọc. Cần phải xây dựng được thư viện tốt và phát huy được vai trò của thư viện trường học đúng nghĩa thay vì làm thư viện để được công nhận trường chuẩn. Học và dạy không gắn liền và dựa trên việc đọc thì mọi thành tích chỉ là ảo hoặc có giá trị nhất thời.
Ba là, giám sát chặt chẽ thu chi trường học để tránh tiêu cực. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý không có lương tâm nghề nghiệp, đồng thời can đảm bảo vệ những giáo viên yêu nghề, có năng lực, dám đấu tranh chống tiêu cực.
Bốn là, cần có biện pháp cụ thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên. Cần phải làm mọi biện pháp cần thiết để giáo viên có thể sống bằng lương mà không cần dạy thêm hay phải “chân trong chân ngoài”. Đây vừa là biện pháp trước mắt vừa là chiến lược lâu dài. Nếu không làm được việc này rất khó để có nền giáo dục chất lượng cao.
Nhìn vào cải cách giáo dục ở Nhật Bản có thể thấy, cải cách giáo dục chỉ thực sự có hiệu quả và đem lại sự thay đổi tích cực khi mọi bộ luật, chính sách, dự án cải cách lấy lợi ích của người dân, quyền lợi của trẻ em và tương lai của quốc gia làm đích đến và xuất phát điểm của cải cách. Cần tính toán kỹ để không đưa ra mục tiêu cải cách quá cao khi điều kiện thực tế không đáp ứng được, dẫn tới tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Một khi nội lực của giáo viên, học sinh được tôn trọng và phát huy, chắc chắn giáo dục sẽ khởi sắc.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như: – Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày… – Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam… Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. |