Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ để giáo viên được hưởng lương tương xứng với công sức, nhất là khối mầm non, vùng xa.
“Nghề giáo cao quý, vậy chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy cô yên tâm công tác, không ngừng phấn đấu, cống hiến vì nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là ở vùng xa, biên giới, hải đảo?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi gặp đại diện nhà giáo tiêu biểu, chiều 17/11 tại Hà Nội.
Thủ tướng biểu dương thầy cô có nhiều bài báo khoa học, đoạt giải thưởng quốc tế như cô Hoàng Thị Thái Hòa (Đại học Huế), thầy Lê Anh Tuấn (Đại học Phenika), thầy Nguyễn Hải Nam (Đại học Dược Hà Nội)… Các thầy cô đã đào tạo nhiều học sinh giỏi làm rạng danh nền giáo dục nước nhà như thầy Hoàng Văn Nam (Hà Tĩnh), thầy Lê Đức Thịnh (Hải Phòng)…
Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ khâm phục trước những thầy cô bền bỉ băng suối, vượt đèo, gùi con chữ lên vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhiều thầy cô đã hy sinh vì tình yêu học trò, kiên trì cắm bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, vào từng nhà vận động học sinh đến trường như cô giáo Lầu Y Pay (Nghệ An) và Phạm Thị Hồng (Yên Bái), thầy Vũ Văn Tùng (Gia Lai).
“Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với khó khăn, vất vả của thầy cô suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.
Ông Chính chia sẻ trăn trở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra hàng loạt vấn đề với sự nghiệp giáo dục. Làm sao để học đi đôi với hành, cải thiện chất lượng nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế? Giải pháp nào để học sinh có kiến thức nền tảng, vừa tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu?
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết công tác phát triển nhà giáo đang gặp nhiều thách thức. Đời sống giáo viên khó khăn, nhất là thầy cô vùng xa. Cơ cấu giáo viên mất cân đối giữa các môn trong cùng cấp học, các vùng điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.
“Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các nơi đa số thấp hơn nhu cầu thực tế. Tuyển dụng giáo viên phổ thông bất cập, chưa kịp thời. Thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề. Lương giáo viên mới tuyển dụng còn thấp”, ông Sơn nêu hàng loạt vấn đề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khảo sát chế độ làm việc giáo viên phổ thông và chính sách với giáo viên, nhân viên mầm non công lập. Từ kết quả này, Bộ sẽ đề xuất chính sách đặc thù nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong trường học.
Toàn quốc có 1,6 triệu giáo viên, thiếu 10.000 người. Năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người rời ngành.
Từ ngày 1/7, giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6-1,5 triệu đồng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng nhiều lần kiến nghị cấp bách tăng lương cho giáo viên để cải thiện đời sống và giảm tình trạng thôi việc.
Thảo luận tại Quốc hội đầu tháng 11, đại biểu Hà Ánh Phượng (giáo viên trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc.
Trả lời chất vấn đại biểu sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết khi cải cách chính sách tiền lương sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp.