Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/10 cùng ngồi xem chương trình Táo quân và nghe Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đọc lời chúc Tết lúc giao thừa.
Tối 30 Tết Giáp Thìn, nhà giàn DK1/10 thuộc vùng biển Bãi cạn Cà Mau rộn tiếng đàn hát, nói cười. Cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau hát karaoke, thi hái hoa dân chủ và cùng nâng ly trao nhau lời chúc đầu xuân.
Nhờ truyền hình số vệ tinh, những người lính nhà giàn có thể xem Táo quân, các chương trình văn nghệ và chờ đón giây phút Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đọc lời chúc Tết nhân dân cả nước.
Từ buổi chiều, chính trị viên, thiếu tá Phạm Văn Sinh cho biết công tác chuẩn bị đón năm mới đã hoàn tất. Như một nghi thức trước giao thừa, cán bộ chiến sĩ cắt tóc cho nhau, tắm rửa sạch sẽ, quân trang chỉnh tề để tham gia chương trình tất niên.
Ngoài nồi bánh chưng luộc xong tối 29 Tết, nhà giàn còn mổ lợn gà, gói giò, nấu thịt đông, muối dưa hành, bắp cải, đồ thêm xôi để đón giao thừa. Nguyên liệu được tàu Trường Sa 04 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chở ra cách đây hơn ba tuần cùng một số thực phẩm do bộ đội tăng gia sản xuất. “Chúng tôi cố gắng tạo không khí vui tươi nhất, đủ đầy cho bộ đội như Tết ở đất liền”, thiếu tá Sinh nói.
Hồ hởi chia sẻ chương trình đón xuân nhưng giọng chính trị viên chùng xuống khi nhắc tới đất liền: “Chúng tôi cũng phải gác lại gia đình và nỗi niềm riêng tư để ở ngoài này canh gác, bảo vệ cho nhân dân đón Tết. Quê nhà, vợ con vẫn là nỗi đau đáu của nhiều chiến sĩ nhà giàn DK1 khi Tết đến xuân về”.
Sau giờ phút giao thừa, toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm sức khỏe và chúc Tết. Toàn bộ 15 nhà giàn DK1 đã có sóng điện thoại, thuận tiện kết nối đất liền. Chiến sĩ DK1/10 cho biết họ may mắn hơn đồng đội ở nhà giàn khác khi có thể gọi về nhà bằng video qua hệ thống Vinasat, nhìn thấy hình ảnh vợ con tất bật đi thăm nội ngoại, sắm sanh, trang trí nhà cửa dịp giáp Tết.
Thượng úy Nguyễn Phùng Hải, 40 tuổi, quê Hà Tĩnh, kể từ khi công tác nhà giàn năm 2007 chỉ một lần về nhà ăn Tết cùng vợ con. Như bao cán bộ, chiến sĩ nhà giàn khác, anh nói “phải tìm cách vượt qua cảm xúc nhớ nhà, nhất là trong những ngày cuối năm”.
Con gái anh đang học lớp tám, ngoài gọi điện cho bố hỏi thăm sức khỏe hàng ngày, Tết nào cũng mua áo gửi tặng bố. “Năm nay con cũng mua quà, chờ khi có tàu ra nhà giàn sẽ gửi tặng bố”, anh Hải nói. Trong tủ đồ cá nhân ở nhà giàn cất giữ tập thư của con gái, thi thoảng anh lại mang ra đọc để vơi bớt nỗi nhớ con. Trong một bức thư gửi bố dịp Tết, cô bé khoe đã tiến bộ trong môn tin học, hẹn sẽ vẽ tặng bức tranh khi bố về.
Cũng như anh Hải, tấm hình con gái ba tuổi do vợ gửi theo tàu ra đảo là nguồn động viên trung úy Nguyễn Văn Nghiệp, nhân viên rada 28 tuổi, quê Nam Định. Cuối năm 2019, vợ sinh con khi Nghiệp đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn, đến khi con tám tháng tuổi anh mới được trở về đất liền thăm nhà.
“Đúng ra đàn ông phải là điểm tựa cho phụ nữ nhưng bây giờ phụ nữ lại là điểm tựa hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió”, chính trị viên Phạm Văn Sinh nói thay tâm sự của những người lính nhà giàn.
Đây cũng là cái Tết không thể nào quên đối với hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu khi mới ra nhà giàn chưa đầy một tháng. Không khí tất bật chuẩn bị cho chương trình liên hoan chiều 30 Tết khiến tân binh nhà giàn tạm quên nỗi nhớ mẹ và người yêu.
Bố mất, nhà chỉ còn mẹ và anh trai, gia cảnh khó khăn, Giàu phải tự lập từ năm lớp 10. Thi đậu Học viện Hành chính Quốc gia, chàng trai quê Vũng Tàu làm đủ nghề như bưng bê, phục vụ trong nhà hàng để có tiền ăn học. Thế nhưng, Giàu chỉ trụ được năm đầu, đến năm thứ hai thì không thể tiếp tục theo học. Anh đi nghĩa vụ quân sự, sau một năm huấn luyện thì xin ra nhà giàn.
Hôm Giàu lên đường ra nhà giàn, bạn gái Lê Thị Quỳnh Như, mối tình gắn bó với anh 5 năm, ra tiễn ở bến tàu. Cả hai bịn rịn nắm tay nhau, Như nhắn nhủ sẽ thay người yêu thăm nom, chăm sóc mẹ để anh yên tâm công tác. Anh dặn dò cô giữ gìn sức khỏe, chờ ngày anh về để tính chuyện kết hôn.
“Đừng lấy chồng bộ đội, vất vả lắm”, nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 khi được hỏi đều chung câu trả lời. Thế nhưng, sau tất cả, người bạn đời của họ vẫn luôn mang niềm tự hào có chồng làm lính đảo. Còn các anh trong những lúc lênh đênh và cô quạnh trên biển, vẫn nhớ về hậu phương tần tảo với lòng biết ơn.
Nguyễn Tấn Giàu bên bạn gái tại cảng vụ của lữ đoàn 125 ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trước khi lên đường ra làm nhiệm vụ ở nhà giàn, hôm 9/1. Ảnh: Hoàng Anh
Ba tuần trước trên chuyến tàu Trường Sa 04 vượt gần 1.000 hải lý đến nhà giàn giữa mùa biển động, Giàu say sóng nằm bẹp nhiều ngày. Nhưng, thanh niên 22 tuổi nói rắn rỏi: “Sóng gió cuộc đời em còn không sợ nữa là sóng gió nhà giàn”.
DK1 (cụm Dịch vụ kinh tế – Khoa học kỹ thuật) gồm 15 nhà giàn nằm trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, cách đất liền 250-350 hải lý. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân; chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.