Giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp chăm: Thêm sản phẩm phục vụ du khách
Sở VH&TT tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Ðôi và tháp Bánh Ít từ ngày 5 – 10.7 với sự góp mặt của Ðoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận. Ðây là bước tạo đà để ngành Văn hóa hướng tới tạo thêm sản phẩm mới phục vụ du khách.
Tỉnh Bình Ðịnh hiện còn 8 cụm/14 tháp Chăm, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc. Những năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất để bảo tồn các tháp Chăm, hướng tới phục vụ du lịch.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, việc tổ chức thêm chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật Chăm vừa nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá di tích vừa tạo thêm sản phẩm để du khách có thêm trải nghiệm khi đến tham quan tại các tháp Chăm trong tỉnh.
Biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Đôi. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Trong những ngày diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít, có rất đông người dân và du khách đến xem. Chị Đỗ Thanh Ngọc, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: “Lần đầu tiên gia đình tôi du lịch đến Quy Nhơn – Bình Định tham quan nhiều di tích, thắng cảnh đẹp, trong đó cả nhà tôi ai cũng thích di tích tháp Bánh Ít. Gặp lúc có Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận biểu diễn với nhiều tiết mục đặc sắc khiến gia đình tôi ai cũng cho là mình may mắn. Chưa ra về nhưng gia đình tôi đã hẹn dịp trở lại với Quy Nhơn – Bình Định để khám phá thêm những điều thú vị mới chỉ được nghe giới thiệu”.
Không chỉ du khách phương xa, chính những người dân địa phương cũng rất háo hức. Anh Trần Minh Phú, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, bày tỏ: “Nhà tôi ở gần tháp Đôi. Khi biết thông tin có chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại đây, gia đình tôi liền rủ nhau đến xem. Bình Định mình có nhiều tháp Chăm rất đẹp, các tỉnh bạn như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên cũng có tháp Chăm và họ thường xuyên tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách, còn mình thì chưa nhiều. Tôi mong thời gian tới, tại các tháp Chăm của Bình Định mình sẽ có thêm nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật để người dân và du khách thưởng thức”.
Những nghệ nhân Chăm tỉnh Ninh Thuận biểu diễn không sử dụng hình thức “sân khấu hóa” mà biểu diễn với phong thái tự nhiên, sát với đời thực qua các tiết mục múa, hát dân ca Chăm rộn rã giữa thanh âm hòa tấu trong tiếng trống Ghinăng, trống Paranưng, kèn Saranai, cùng hình ảnh cô gái Chăm dệt thổ cẩm, làm gốm khiến người xem đắm chìm trong không gian văn hóa đầy cuốn hút.
Nghệ nhân Vạn Quang Phú Đoan, Trưởng đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Cùng với việc biểu diễn thường xuyên tại tháp Po Klong Garai (tỉnh Ninh Thuận), chúng tôi còn đi lưu diễn tại nhiều tỉnh, thành. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Bình Định để quảng bá, giao lưu giới thiệu văn hóa Chăm. Mong rằng Bình Định và Ninh Thuận sẽ càng thêm gắn kết cùng nhau bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Champa”.
Bước đầu, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít đã được đón nhận tích cực, tới đây Sở VH&TT sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động khác tại các tháp Chăm. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Về lâu dài, Sở sẽ mời nghệ nhân dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận về Bình Định truyền dạy các chương trình biểu diễn cho đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh để có lực lượng biểu diễn tại chỗ. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án xã hội hóa quản lý, khai thác hệ thống di tích tháp Chăm, xây dựng các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật Chăm, ẩm thực Bình Định, dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí… để phát huy hơn nữa giá trị các tháp Chăm gắn phát triển du lịch văn hóa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN