Một PGS Toán học công bố nhiều bài báo quốc tế nhưng ký tên trường đại học khác với nơi công tác, làm dấy lên tranh cãi về liêm chính khoa học.
Ba ngày qua, cộng đồng khoa học xôn xao việc PGS.TS Đinh Công Hướng, giảng viên trường Đại học Công nghiệp TP HCM, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia), nộp đơn xin rút khỏi hội đồng này vì bị tố cáo vi phạm liêm chính học thuật.
Theo thống kê từ MathSciNet – cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Toán học Mỹ, PGS Hướng có 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, 13 công trình ông ký tên trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM), 4 công trình đứng tên trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Thời gian thực hiện những nghiên cứu này, ông là giảng viên cơ hữu của trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định).
PGS Hướng thừa nhận sự việc, giải thích đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường nói trên. Lý do là Đại học Quy Nhơn không cấm việc này nếu giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ, trong khi ông chịu áp lực về kinh tế gia đình.
“Để viết được một bài nghiên cứu rất khó, khổ, tốn nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn. Nhiệm vụ mình đã hoàn thành, công sức đổ ra nhiều như vậy, tôi cũng mong có thêm thu nhập”, ông Hướng nói.
Mặt khác, ông cho biết không sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của trường Đại học Quy Nhơn để thực hiện đề tài nghiên cứu cho đơn vị khác.
Trả lời VnExpress tối 4/11, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn, cho biết PGS.TS Đinh Công Hướng đã công tác hơn 20 năm ở trường, mới chuyển công tác hồi tháng 3. Ông Hướng luôn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ và định mức giảng dạy, nghiên cứu.
Theo ông Hiền, trường quản lý giảng viên theo quy định của Luật Viên chức. Họ được phép ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức khác mà pháp luật không cấm, nhưng phải được người đứng đầu đơn vị đồng ý.
“Trường không biết việc PGS Hướng thực hiện nghiên cứu khoa học cho những đơn vị khác cho đến khi báo chí phản ánh. Đây là lỗi sai rất đáng tiếc vì thầy Hướng không báo cáo với người đứng đầu”, ông Hiền nói.
GS Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên chủ tịch hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted, nói về mặt pháp lý, tác giả ghi địa chỉ nơi khác có vẻ như không có tội gì nếu cơ quan chủ quản cho phép. Nhưng nơi “mua bài” thì đã ngụy tạo thành tích để đánh lừa xã hội và thu hút sinh viên vào học.
“Chuyện này bị quốc tế lên án. Tác giả ghi địa chỉ sai đã gián tiếp tham gia chiêu trò giả mạo thành tích, mang tính lừa đảo, sao lại coi là không vi phạm liêm chính, nhất là khi đã biết dư luận lên án chiêu trò này”, GS Trung nói. Ông cho rằng nếu nhận tài trợ nghiên cứu, tác giả chỉ nên ghi cám ơn nơi tài trợ đó.
Theo GS Trung, việc xử lý tùy theo cơ quan quản lý nhà khoa học, trên thế giới có trường hợp bị đuổi việc. Quỹ Nafosted và Hội đồng chức danh đều coi chuyện này là vi phạm liêm chính, nhà khoa học sẽ mất điểm và phiếu khi xét chức danh hay đề tài.
TS Trương Đình Thăng, thành viên hội đồng Quỹ Nafosted liên ngành Tâm lý và Giáo dục, lại có góc nhìn khác. Ông dẫn một bài báo khoa học có 79 tác giả và 98 địa chỉ, cho rằng việc hợp tác nghiên cứu trên thế giới là phổ biến. Một tác giả có thể ghi nhiều tổ chức mà mình làm việc và hợp tác. Chỉ khi họ mạo danh tổ chức mà mình không có mối liên hệ hoặc hợp tác mới vi phạm.
“Khi được tài trợ nghiên cứu, việc ghi hoặc không ghi tên tổ chức tài trợ là do các điều khoản trong cam kết giữa hai bên. Liêm chính hoặc đạo đức trong nghiên cứu không thuộc phạm trù này”, ông Thăng nói.
Ông nhìn nhận việc “mua bài” thông qua tài trợ nghiên cứu để tăng ranking (thứ hạng) nếu có thì trách nhiệm thuộc về những tổ chức làm việc này chứ không phải nhà khoa học. Còn các nhà khoa học cần có tài chính để thực hiện nghiên cứu. Điều quan trọng là nghiên cứu của họ có chất lượng không và đóng góp ra sao cho khoa học và cho sự phát triển của xã hội.
Còn GS Trương Nguyện Thành, giáo sư danh dự Đại học Utah, Mỹ, cho biết chỉ khi có những điều khoản quy định rõ ràng mới đủ căn cứ xác định PGS Hướng có vi phạm hay không.
Với 30 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tại Mỹ, GS Thành cho hay giữa các giáo sư và đại học ở Mỹ thường có một điều khoản trong hợp đồng về việc này. Theo đó, khi một người làm việc toàn thời gian, tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết đều là tài sản trí tuệ của trường. Điều này đã trở thành một chuẩn mực, thước đo chung mà nếu làm trái, nhà khoa học bị coi là vi phạm liêm chính học thuật, hủy hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, một số trường chỉ trả lương 9 tháng mỗi năm nên cho phép các giáo sư cộng tác với các đơn vị khác (không được quá ba tháng) để có thêm thu nhập. Nếu xuất bản bài báo khoa học, họ phải ký tên cả trường mình và đơn vị cộng tác.
“Thế nào là liêm chính khoa học? Những gì nhà khoa học không được làm? Tôi chưa thấy Việt Nam có quy định riêng về điều này. Phải chăng mọi người đang áp những tiêu chuẩn của nước ngoài lên các nhà khoa học trong nước”, GS Thành nhận định.
Trong bối cảnh liên kết nghiên cứu khoa học, đào tạo ngày càng phổ biến, theo PGS Nguyễn Đình Hiền, cơ quan chức năng cần đưa ra quy định cụ thể về liêm chính khoa học.
“Trường hợp của PGS Hướng là đáng tiếc nhưng cũng cần nhìn theo chiều hướng tích cực, cho trí thức có điều kiện phát triển. Sau việc này, trường sẽ cân nhắc những quy định cụ thể hơn để quản lý đội ngũ”, ông Hiền nói.
Cuối cùng, GS Ngô Việt Trung nhìn nhận để giải quyết chuyện mua bán bài báo, nhà nước cần có chế tài đối với những cơ sở ngụy tạo thành tích, đồng thời đãi ngộ thích đáng với các nhà khoa học.
Lệ Nguyễn