Livestream vì lợi ích thấp hèn
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho biết, những người làm nghề YouTuber, TikToker được xem như hoạt động trong lĩnh vực truyền tải thông tin. Tuy nhiên, việc chuyên săn đám ma, tai nạn để quay phim xuất phát từ tính ích kỷ, lợi ích thấp hèn để kiếm tiền bằng mọi giá.
Nhiều câu chuyện, sự việc rất thương tâm, phản cảm mà họ bất chấp tất cả, thản nhiên đưa hình ảnh trần trụi kèm những lời bình vô cảm. Đó rõ ràng là hành vi sai trái, không thể hiện được đạo đức, nghiệp vụ của người làm nghề truyền tải thông tin.
“Họ quay hình các vụ việc như vậy rồi đăng tải, phơi bày lên mạng xã hội cho cả cộng đồng xem, bất biết tác động, hậu quả cho thấy cái tâm không lành mạnh. Trường hợp này có thể khẳng định là động cơ rất vị kỷ, xấu xí, bằng mọi cách để thu lợi tối đa. Họ nhắm vào nghịch lý, hình ảnh phản cảm càng cận cảnh, càng “bẩn” lại càng dễ thu hút sự chú ý.
Tần suất livestream, số lượng clip càng nhiều càng đưa lại lợi ích cho họ. Nếu không phải lợi ích cụ thể về vật chất thì cũng là vui thú vì được tôn vinh, trầm trồ, nhìn nhận như là người thạo tin. Việc làm đó là trái đạo đức”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, trong rất nhiều trường hợp nhạy cảm, chẳng hạn như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), nếu ai đó xuất hiện livestream kèm theo những lời bình luận vô cảm thì rõ ràng đó là tội ác, chứ không còn đơn thuần là phản cảm.
Đứng trước nỗi đau lớn của đồng loại, cộng đồng như vậy mà thái độ thờ ơ đã là tệ hại rồi chứ không cần nói quay phim, đưa thêm các lời bình. Những hành vi đó không thể chấp nhận được, nếu có người thực hiện thì cơ quan chức năng phải ngăn chặn, xử lý.
Những công nghệ mới trong lĩnh vực truyền thông đưa lại nhiều lợi thế lớn, cơ hội tốt, rộng mở cho mọi người. Tuy nhiên, mặt trái của những công nghệ đó là sự thật dễ bị xuyên tạc, bóp méo trên môi trường mạng.
Ông Bình nhấn mạnh: “Nên nhớ, đằng sau những nền tảng đó là trái tim, khối óc con người và do con người điều khiển. Việc lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội vô hình trung tiếp tay cho kẻ xấu. Không phải cơ quan chức năng không thấy được vấn đề đó mà do kiểm soát không xuể”.
Lý do khác, theo ông Bình, cơ quan chức năng cũng làm chưa hết trách nhiệm. Ví dụ, vụ bà Nguyễn Phương Hằng, ban đầu cơ quan chức năng cho biết sẽ tập hợp nhiều người liên quan. Tuy nhiên, vụ án để quá lâu, dần dần công chúng thấy mệt mỏi, không để ý đến nữa.
Ý nghĩa của việc trừng phạt, răn đe giảm đi khi quyết định xử lý không sớm được đưa ra. Mọi sai phạm cần phải trừng trị kịp thời mới đủ sức răn đe, không chỉ dành cho kẻ phạm lỗi mà hướng tới cả những người có khả năng làm những việc tương tự.
Ranh giới giữa tham gia livestream với phạm tội đôi khi không phải quá lớn. Như bà Nguyễn Phương Hằng, TS Trịnh Hòa Bình nhận định, làm quá đi trở thành phạm tội, xâm phạm lợi ích, danh dự, tài sản của những cá nhân khác.
“Mạng xã hội tạo ra nền tảng, môi trường thông tin rất tốt nhưng rơi vào những người có động cơ xấu thì đó cũng trở thành công cụ hữu hiệu đối với họ, vô hình trung gây hại cho người tử tế, xã hội và cộng đồng”, ông Bình phân tích.
Chế tài với YouTuber đăng nội dung “bẩn”
Liên quan việc nhiều YouTuber, TikToker đăng nội dung “bẩn”, sai sự thật gây ra những tác động xấu, ảnh hướng đến an ninh trật tự, Công an TPHCM đã có khuyến cáo về vấn đề này.
Theo công an, việc đăng thông tin sai sự thật, lôi kéo, kích động đám đông gây tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Tùy theo hành vi, tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cả về hành chính và hình sự.
Hoạt động đăng tải thông tin vi phạm trên mạng xã hội được xử lý theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông; UBND các cấp, trong đó có lực lượng công an nhân dân. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Công an TPHCM có đơn vị nghiệp vụ chuyên theo dõi, nắm tình hình và đề xuất, phối hợp xử lý những vấn đề trên.
Ngoài ra, nếu xảy ra những vấn đề phức tạp, Ban giám đốc Công an thành phố sẽ có những chỉ đạo tập trung xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc phức tạp xảy ra.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, nếu vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội trang thông tin điện tử như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì tổ chức sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng; cá nhân sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.
Đồng thời, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Người đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” hoặc tội “Vu khống”.
Công an TPHCM khuyến cáo, khi tìm hiểu thông tin, người dân cần xem kỹ nguồn cung cấp thông tin, chỉ tin cậy nguồn tin từ cơ quan chức năng, báo đài. Người dân hạn chế xem tin không chính thống trên mạng xã hội, rất dễ hiểu sai, mắc bẫy lừa đảo, kích động vi phạm pháp luật.
Không chia sẻ các thông tin sai sự thật, đặc biệt là các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Việc chia sẻ, đăng thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện những thông tin sai sự thật, vu khống… ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và gia đình, người dân có thể yêu cầu người đăng tin gỡ bỏ thông tin, xin lỗi hoặc tố cáo đến cơ quan quản lý thông tin truyền thông để được xử lý.
Trường hợp hành vi cố tình vi phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và gia đình, gây thiệt hại về kinh tế thì tố cáo đến cơ quan công an để tiếp nhận, xử lý theo quy định.