Những ngày qua, Thanh Hoá ghi nhận đợt nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài nhất kể từ đầu mùa hè đến nay, nhiều nơi ghi nhận nền nhiệt từ 38-41 độ C. Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân khiến người lớn tuổi, trẻ nhỏ bệnh nặng phải nhập viện điều trị tăng cao.
Bác sĩ Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá thăm khám cho bệnh nhi.
Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá hiện đang điều trị cho 90 bệnh nhân, so với trước đó, lượng bệnh nhân nhập viện không tăng đột biến, nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng, kéo dài, tái nhiễm gia tăng hơn 30%, điển hình là bệnh viêm phổi thuỳ, viêm phế quản phổi có suy hô hấp phải thở ô xy, viêm tiểu phế quản…
Chăm con đang điều trị tại khoa, chị Lê Thị Mai cho biết: Mấy ngày nắng nóng, cháu bị sốt, ho, khó thở, quấy khóc. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh viêm phổi thuỳ trái phải điều trị ít nhất 12-14 ngày.
BSCK II Nguyễn Thị Vân, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: Điều kiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra một số bệnh như: cảm nắng, say nắng, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ, viêm da. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhiều gia đình thường sử dụng điều hòa để hạ nhiệt dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, khi bước từ phòng lạnh ra trời nắng khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột dẫn đến bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng. Việc nhiều gia đình sử dụng quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp, ăn đồ lạnh khi trời nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đường hô hấp đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Vân khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra ngoài đường trong các giờ cao điểm nắng nóng, đến những nơi đông người. Trong ăn uống, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn phù hợp; bổ sung nước, hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ; không để trẻ ăn đồ ăn lạnh vừa lấy trực tiếp từ tủ lạnh…
Nắng nóng, gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lý tai biến, tim mạch, tăng huyết áp… nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.
Không chỉ trẻ nhỏ, nắng nóng gay gắt còn khiến người lớn tuổi nhập viện điều trị cũng tăng cao. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá các bệnh nhân đến khám bệnh rất đông. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800-1.000 bệnh nhân đến khám và 250 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tai biến, tim mạch, tăng huyết áp, đường hô hấp…
Các bác sĩ cho biết, nắng nóng gây ra trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp… Bởi mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…
Để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 26 đến 28 độ C, mức nhiệt độ dùng không chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời; trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Đối với người cao tuổi, khi xuất hiện các triệu chứng cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Tô Hà