Triển khai AI để tạo ra hiệu quả làm việc cũng như nội dung chất lượng
Sự ra đời và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang đến một cuộc cách mạng lớn cho ngành báo chí, làm thay đổi sâu sắc cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin.
Nhà báo Nikita Roy, thành viên Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICFJ) cho biết: “Tôi nghĩ các nhà báo cần phải là một trong những công dân có hiểu biết nhất về AI. Chúng ta nợ độc giả của mình điều đó”.
Roy trích dẫn một nghiên cứu do Boston Consulting Group thực hiện cho thấy những người sử dụng GPT-4 do OpenAI phát triển đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn 40% trong các lĩnh vực nói chung.
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã tiếp cận một cách thông minh và sử dụng có chiến lược, trí tuệ nhân tạo để tăng cường sự hiệu quả và đổi mới cho các nhà báo và cơ quan báo chí.
Chẳng hạn, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, sau khi số hóa các công đoạn sản xuất từ soạn thảo văn bản, biên tập đến ghi âm số, thu thanh số, ghi hình số, dựng hình số, phát sóng số, cơ quan báo chí đối ngoại này đã hình thành Cổng Tin tức VOV hoạt động như một tòa soạn số.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban thư ký biên tập Đài tiếng nói Việt Nam cho hay, Cổng tin tức VOV đã hỗ trợ rất tích cực cho lãnh đạo Đài chỉ đạo nội dung, phân công công việc và kiểm định chất lượng. Từ khi có Cổng tin tức VOV, tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã giảm bớt nhiều cuộc họp giao ban; giảm bớt những cuộc điện thoại, trao đổi về thông tin giữa các đơn vị biên tập với nhau và với các cơ quan thường trú trong nước, nước ngoài.
Đặc biệt, Cổng tin tức VOV kết nối với hệ thống sản xuất chương trình nên phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên không còn phải sử dụng băng từ hay ổ cứng, USB trong việc trao đổi và cung cấp tin bài giữa các đơn vị và các phóng viên. Cổng tin tức VOV không những tối ưu hóa công việc và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công sức mà việc sản xuất tin tức, bài vở và chương trình lại được thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn.
“Đặc biệt với một đơn vị nhiều loại hình báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam thì Cổng tin tức VOV đã thực sự phát huy hiệu quả ở công đoạn cuối: Phân phối trên đa nền tảng. Với các sản phẩm thành phẩm, các biên tập viên có thể sử dụng trên các nền tảng truyền thống và nền tảng số mà không gặp bất cứ khó khăn và rào cản nào. Điều này khiến cho thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam được nhanh hơn, đa dạng hơn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho biết.
VietnamPlus là cơ quan báo chí đi đầu trong việc ứng dụng AI. Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, một trong những đặc sản của VietnamPlus là những bài Mega Story, trước đây do các bạn làm thiết kế chuyên nghiệp phụ trách. Nhưng giờ, nhờ những công cụ sử dụng AI như Canva, Infogram, Flourish (sản xuất infographics) đã hỗ trợ phóng viên, biên tập viên có thể tự thiết kế. Về hiệu suất công việc, tính thẩm mỹ cũng không kém gì nhiều so với các bạn làm thiết kế chuyên nghiệp.
Ths Vũ Duy Hưng – Giám đốc Truyền hình Nhân Dân chia sẻ, Báo Nhân Dân đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, báo chí tự động cũng như kết nối được dữ liệu với các cơ quan báo chí khác và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi.
“Ngày 13/6/2023, Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử đã chính thức được khai trương giúp tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc, bảo đảm tính đa phương tiện, đa nền tảng của Báo Nhân Dân”, ông Hưng nói.
Sử dụng AI để củng cố nguồn thu – hướng đi mới đầy hứa hẹn
Không ngạc nhiên khi các tổ chức tin tức, toà soạn báo chí đang đẩy mạnh khai thác xu hướng nội dung cá nhân hóa. Bằng cách sử dụng các công cụ dựa trên AI để phân tích hành vi, sở thích và kiểu tương tác của người đọc, các tổ chức sản xuất tin tức có thể điều chỉnh theo phân khúc đối tượng và cung cấp nội dung được nhắm mục tiêu phù hợp với người dùng.
Hơn nữa, các tổ chức sản xuất tin tức, tòa soạn cũng có thể sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa các kênh phân phối và tối đa hóa phạm vi tiếp cận. Điều này giúp gia tăng mức độ tương tác và trung thành với tờ báo, từ đó có thể thúc đẩy gia tăng doanh thu từ độc giả.
Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy 71% độc giả hiện nay mong đợi các tổ chức tin tức, toà soạn cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa và 76% thậm chí còn cảm thấy thất vọng khi các tổ chức không thực hiện điều đó. Các tổ chức xuất sắc trong việc cá nhân hóa sẽ tạo ra doanh thu cao hơn 40%.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus lấy ví dụ về tờ Stuff tại New Zealand khi dùng GenAI xuất bản các bài viết dưới dạng nội dung được tài trợ (sponsor content) về những lĩnh vực chuyên biệt như ôtô, bất động sản… Matt Headland, Giám đốc điều hành mảng thương mại của Stuff cho biết, báo đã tiết kiệm được 60 giờ làm việc cho việc sản xuất những bài báo như trên trong tháng Ba vừa rồi. Và quan trọng hơn là doanh thu tăng nhờ sản lượng tăng.
“Tại Việt Nam, chúng ta vẫn thường dị ứng với cụm từ “kinh doanh tin tức” dù trên thực tế thì đó cũng là một món hàng. Song một số cơ quan báo chí đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của truyền thông số”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết và lấy dẫn chứng về Tạp chí Kinh tế Việt Nam tung ra gói “Premium” dành cho các thuê bao đặt báo dài hạn, tặng kèm gói sử dụng chatbot có tên Askonomy có thể đưa ra các câu trả lời, tư vấn liên quan đến vấn đề kinh tế. Thậm chí, chatbot này còn cung cấp cả biểu đồ trực quan cho người dùng.
Một số tòa soạn khác, dù chưa có những sản phẩm ứng dụng AI liên quan trực tiếp đến mảng kinh doanh, nhưng cũng giúp nâng cao hiệu suất cũng như chất lượng của thông tin.
Các sản phẩm đơn giản dạng biến văn bản thành giọng nói (hoặc ngược lại), biến văn bản thành hình ảnh, video trở nên phổ biến cũng ngang với việc sử dụng AI để gợi ý, đóng gói tin tức phục vụ từng đối tượng độc giả riêng biệt, nhằm cá nhân hóa nội dung cho người dùng. Các sản phẩm báo chí chất lượng cao của VnExpress hay VietnamPlus được sản xuất thường xuyên hơn nhờ tòa soạn tối ưu hóa được quy trình sản xuất thông qua AI.
“Tuy nhiên, AI cũng không phải tự dưng mà có giống như ông Bụt hiện ra trong câu chuyện cổ tích. Sẽ không có gì thay đổi trong mỗi tòa soạn nếu không chủ động đầu tư cho công nghệ, nhân sự và đào tạo kỹ năng mới cho các phóng viên, biên tập viên. Và quan trọng là tư duy đổi mới sáng tạo từ đội ngũ lãnh đạo”, ông Nguyễn Hoàng Nhật nhận định.
Hoà Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/gia-tang-nguon-thu-moi-cho-co-quan-bao-chi-tu-ai-post310326.html