Cổ phiếu những doanh nghiệp chăn nuôi tăng hai chữ số khi giá lợn hơi tăng mạnh, kỳ vọng giúp lợi nhuận của nhóm này cải thiện sau một năm lao dốc.
Từ mức nền hơn 13.000 đồng vào đầu tháng 3, cổ phiếu DBC của Dabaco đã tăng hơn 40%, lên quanh vùng 19.000-20.000 đồng, sau chưa tới ba tháng. Tương tự, mã BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng tăng gần 20% trong ba tháng qua và tăng hơn 40% kể từ đầu năm. Điểm chung của hai doanh nghiệp này là mảng chăn nuôi heo đều chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hoạt động kinh doanh.
Xét về biên độ tăng, cả hai mã này cũng vượt trội hơn nhiều so với thị trường chung. Tính từ đầu năm 2023, trong khi VN-Index tăng gần 7%, DBC và BAF đều tăng trên 30%.
Một trong những động lực giúp thị trường chú ý tới hai cổ phiếu này là sự phục hồi của giá lợn hơi. Trong tháng 5, giá lợn hơi tăng gần 11% so với tháng trước, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, diễn biến này do sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến cuối quý I đã giảm 50% so với năm 2021.
Trong phiên họp cổ đông thường niên đầu năm nay của một số doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết, ban lãnh đạo nhóm công ty này đều đưa ra thông điệp tích cực hơn về triển vọng giá lợn hơi. Dự báo chung là những gì khó khăn nhất đã diễn ra trong quý IV năm trước và đầu năm nay, do đó triển vọng ngành sẽ tích cực hơn kể từ quý III/2023.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco, cho biết diễn biến giá có thể còn khó khăn cho tới hết quý II. Tuy nhiên, kỳ vọng mở cửa du lịch và việc tổng đàn giảm có thể đẩy giá lợn tăng trở lại vào cuối năm.
“Chủ quan mà nói, tôi nghĩ giá lợn phải lên. Không riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia lân cận, tổng đàn đều giảm”, ông So nói với cổ đông và cho biết kết quả kinh doanh hai quý cuối năm có thể tốt lên.
Sự khó khăn của ngành chăn nuôi bắt đầu lộ rõ hơn từ đầu năm ngoái, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, trong khi giá bán giảm dần.
Từ mức trung bình vài trăm tỷ đồng lãi ròng mỗi quý, lợi nhuận quý I/2022 của Dabaco giảm về dưới 10 tỷ đồng. Khó khăn tăng lên trong quý cuối năm và đầu năm nay khi giá lợn hơi liên tục tạo đáy, trong khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh.
Trong quý I, Dabaco báo lỗ kỷ lục hơn 320 tỷ, trước đó quý IV/2022 cũng lỗ gần 80 tỷ đồng. Đại gia ngành chăn nuôi kinh doanh dưới giá vốn, chịu lỗ ngay từ hoạt động chính. Doanh thu của Dabaco trong ba tháng đầu năm ghi nhận 2.314 tỷ nhưng giá vốn hàng bán lên tới 2.384 tỷ đồng.
Tương tự Dabaco, kết quả kinh doanh quý cuối năm 2022 và quý I/2023 của BAF cũng ở mức thấp, với lãi ròng chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng, so với trung bình 40-150 tỷ mỗi quý trước đó. Doanh nghiệp này cũng chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính khi lãi gộp không đủ để bù đắp chi phí hoạt động và tài chính.
Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, khó khăn còn tăng lên. Cuối tháng 3, trong tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết đang kiệt quệ, ‘treo chuồng’ hàng loạt vì bán sản phẩm dưới giá thành, mong ngân hàng gia hạn nợ vay. Tình trạng này diễn ra với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, dưới 20.000 con gia cầm hoặc đàn heo dưới 200 con.
Tuy nhiên, việc thu hẹp tổng đàn được giới phân tích dự báo có thể trở thành động lực cho giá lợn hơi tăng trở lại, khi nguồn cung được dự báo thiếu hụt.
“Theo quan điểm của chúng tôi, giá lợn hơi sẽ tăng 9,7% trong quý II và cải thiện rõ rệt hơn trong hai quý cuối năm, có thể lên mức 62.000-65.000 đồng mỗi kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế”, báo cáo phân tích ngành sản xuất thịt của VNDirect viết.
Dù vậy, theo nhóm phân tích, giá nông sản, nguyên liệu đầu vào có thể là một biến số ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối năm.
VNDirect kỳ vọng giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% trong năm nay dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5%. Tuy nhiên nhóm phân tích cho biết vẫn có nguy cơ giá nông sản toàn cầu tăng trở lại do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu chính.
Minh Sơn