Gạo Việt “tăng nóng” nhưng không phải lợi thế; xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc; một quốc gia Nam Á đổ tiền, tăng mua gỗ từ Việt Nam… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 27/10-3/11.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. (Nguồn: VFA) |
Gạo Việt “tăng nóng” nhưng không phải lợi thế
Thông tin tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” tổ chức ở TP. Cần Thơ ngày 3/11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam vẫn đang có mức cao nhất.
Giá gạo tấm 5% và 25% của Việt Nam đều cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đạt 653 USD/tấn (giá gạo Thái Lan 560 USD/tấn, giá gạo Pakistan 563 USD/tấn). Đối với gạo tấm 25%, giá gạo Việt Nam đạt 638 USD/tấn, giá gạo Thái Lan 520 USD/tấn và giá gạo Pakistan 488 USD/tấn.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến trong tháng 10, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn đạt giá trị 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho biết tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ quá nên hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu.
Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
Theo ông Nam, “giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế”, vì khi giá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (Đài Thơm 8, OM 5451,…) vào tay doanh nghiệp Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh so với giá gạo thơm Việt Nam.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước.
Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu hàng hóa, sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%. Đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao gấp 5 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực trong tháng 10 với kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD.
Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… đã có tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung đà phục hồi còn chậm.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ ước đạt 3,27 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.
Gạo là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong 10 tháng qua. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa trong dân đang cao kỷ lục đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới.
Một quốc gia Nam Á đổ tiền, tăng mua gỗ từ Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD, giảm 12% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 1% so với tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 760 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng 8/2023, nhưng tăng 1,7% so với tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 9/2023 đã dần phục hồi, đạt 616,9 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 5,2 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều tới một số thị trường khác như: Nhật Bản đạt 1,26 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,23 tỷ USD, giảm 24.5%; Hàn Quốc đạt 583 triệu USD, giảm 21,4%…
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong tháng 9/2023, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường quốc gia Nam Á này đạt hơn 12,6 triệu USD, tăng 252,7% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 77,5 triệu USD, tăng 263,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, quý 3 là quý tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm.
Dù tăng trưởng cao nhưng Ấn Độ chỉ chiếm 0,8% tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023. Con số này đã tăng đáng kể so với 0,2% của năm 2022.
Là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ, tuy nhiên, theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Hoa Kỳ. Sản phẩm sử dụng là hàng “may đo” và không phù hợp với sản xuất của Việt Nam. Chỉ có giới trẻ hiện nay tại Ấn Độ mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương Tây, tuy nhiên, tỷ lệ này chưa nhiều. Vì vậy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt, dự tính đạt 2 tỷ USD trong năm 2023
9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu thống kê mới nhất của cơ quan hải quan. Theo đó, sầu riêng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm trái cây. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với sức tiêu thụ 1,57 tỷ USD sầu riêng trong 9 tháng, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này và tăng vài chục lần so với cùng kỳ các năm trước.
Sầu riêng Việt ngày càng có lợi thế khi ký được Nghị định thư với Trung Quốc. (Nguồn: Vietnamnet) |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết với mức tăng vọt này, xuất khẩu sầu riêng năm nay dự tính đạt 2 tỷ USD. Đây cũng là mức kỷ lục nâng thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vượt Malaysia và Philippines ở thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng Việt ngày càng có lợi thế khi ký được Nghị định thư với Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái, Malaysia và Phillipines. Nếu sầu riêng Việt Nam được chăm chút về kỹ thuật, hàng sản xuất ra chất lượng cao sẽ không lo mất thị phần tại Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, vụ sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đang gần cuối vụ nên sản lượng giảm dần. Do đó, giá sầu riêng thời gian tới có thể tăng lên. Tây Nguyên là vùng trồng có diện tích lên đến 70.000 ha chiếm khoảng 50% của Việt Nam. Sầu riêng Tây nguyên hấp dẫn thị trường Trung Quốc vì thời điểm này hàng Thái đã hết vụ.
Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt cũng đang hút khách Mỹ và Canada. 9 tháng đầu năm, sức mua tại 2 thị trường này tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.