Cà MauAnh Trương Minh Thắng, 40 tuổi, tiếp nối di nguyện người cha dành nhiều công sức tạo môi trường sống cho đàn chim trời sinh sống tại khu vườn gia đình.
Gia đình anh Thắng quê gốc ở tỉnh Hải Dương. Năm 1979, cha anh là ông Nguyễn Công Sự từ Sài Gòn xuống Cà Mau lập nghiệp. Sau nhiều năm tích góp, ông mua 16 ha đất tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cách TP Cà Mau chừng 30 km.
Do đất nhiễm phèn nặng, làm lúa không hiệu quả, ông Sự chuyển phần lớn diện tích sang trồng tràm, phần còn lại trồng mía, khóm. Tận dụng đất trống, lão nông trồng nhiều tre, trúc. “Đến năm 2000, hàng trăm con chim, cò về ở, nhưng lúc này cha tôi chưa tin chúng ở lâu dài nên không quan tâm lắm”, anh Thắng kể lại.
Khoảng 5 năm sau, khi nhà nước cho phép chuyển dịch sang nuôi tôm, gia đình cải tạo 5 ha đất nuôi thủy sản nước mặn. Diện tích trồng tràm vẫn được giữ nguyên cho đàn chim trú ngụ. Lúc này do đất mới, môi trường còn tốt, việc nuôi tôm đem lại hiệu quả, thu nhập cao.
Vài năm sau cha con anh Thắng phát hiện số chim về ngày càng nhiều, có lúc đến 20.000-30.000 con. Gia đình dành thêm hai ha đất nuôi tôm trồng cây thu hút chim tới cư ngụ. Lúc này nhiều người cho rằng đây là “quyết định điên rồ” vì nuôi tôm đang trúng.
Cứ như thế đàn chim phát triển, sinh sôi ngày càng nhiều. Nhiều năm sau đó gia đình anh Thắng đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo đất, xẻ kênh, trồng thêm cây cho đàn chim có nơi làm tổ. Dưới nước họ nuôi cá đồng, thả bèo để xử lý phân chim tránh ô nhiễm.
Đến năm 2017, tuyến đường Xuyên Á nối TP Cà Mau và tỉnh Kiên Giang đi ngang đất nhà, gia đình anh Thắng xin cơ quan chức năng mở khu tham quan, trở thành điểm du lịch cộng đồng ở địa phương. Gia đình cũng tìm hiểu, nghiên cứu để tránh ảnh hưởng đàn chim. Họ nói không với việc săn bắt chim tại vườn.
Theo anh Thắng, sở dĩ đàn chim chịu ở tại khu đất của gia đình do khu vực xung quanh người dân chuyển sang nuôi tôm, cây cối lớn không còn nhiều. Trong khi gia đình anh vẫn giữ diện tích tràm với hệ sinh thái nước ngọt, lại nuôi thêm cá, nên nơi đây trở thành điểm lý tưởng cho chim, cò tới sinh sống.
Hơn 10 năm hình thành, hiện vườn chim của gia đình anh có hơn 100.000 con thuộc 20 loài gồm cò, còng cọc, bạc má, chim sen, vạc mốc… Đặc biệt vườn thu hút loài chim điên điển (hay còn gọi là cổ rắn) được xếp vào nhóm 1B, động vật rừng quý hiếm.
Sau khi cha qua đời năm 2021, anh Thắng trực tiếp quản lý vườn chim. Tiếp nối nguyện vọng của cha, anh đã quy hoạch lại toàn bộ vườn, dành 10 ha trồng tràm, tre, dừa, mắm và nhiều loài cây bản địa. Gần 6 ha còn lại, anh thả nuôi các loại cá đồng, tôm, cua làm vùng đệm để cách ly vườn chim với môi trường xung quanh.
Ngoài ra anh dành một phần đất làm con kênh dài khoảng 1,5 km chuyên chứa nước ngọt. Vào mùa mưa, kênh có nhiệm vụ tháo úng cho vườn chim, nước được lắng, cho cá xử lý tự nhiên sau một thời gian mới thải ra môi trường. Vào mùa nắng, anh sẽ bơm nước ngọt vào kênh dự trữ, khi cần sẽ cung cấp cho vườn.
Chủ vườn thường xuyên lặn lội đến vườn cò ở Thốt Nốt (Cần Thơ) học cách tạo môi trường sống, chăm sóc những chim bị thương. Cây cối trong khu đất được anh nghiên cứu trồng bài bản. Anh không lựa chọn một giống cây duy nhất mà xen nhiều loại tạo ra môi trường tự nhiên nhất. Những khu vực cây lâu năm bị cằn cỗi được anh cải tạo, trồng bổ sung.
“Tôi phải chia nhỏ làm từng khu vực bởi nếu động quá nhiều đàn chim sẽ đi ngay, thậm chí phải dời từng tổ chim”, anh Thắng nói.
Mỗi ngày hai lượt vào sáng và chiều tối, anh đều đặn ra thăm vườn chim. Những ngày mưa giông, anh thường xuyên đi kiểm tra, khi phát hiện tổ chim bị rớt hoặc xô lệch thì sắp xếp lại. Nhiều con chim dính bẫy ở ngoài, bị thương khi bay về vườn sẽ được anh chăm sóc.
Hiện vườn thu hút 800-1.000 lượt khách tham quan mỗi tháng. Theo chủ vườn, với lượng khách này, trừ chi phí anh chỉ đủ lo cho vợ con, số tiền còn lại tiếp tục tái đầu tư cho vườn. “Làm vườn chim này vì đam mê và tiếp nối mong ước của cha tôi”, anh Thắng nói.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết vườn chim của gia đình anh Thắng hiện là điểm tham quan của du khách khi đến tỉnh. Vườn được quy hoạch, chăm sóc bài bản nên chim về ngày càng đông. Địa phương thường xuyên vận động bà con xung quanh không bắt chim, cò nhằm bảo vệ hệ sinh thái tại đây.
An Minh