Sửa Luật Điện lực phải cải cách căn bản về giá
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – cho rằng, giá điện đang có 4 bất cập rất lớn. Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.
“Toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỉ giá… đã theo thị trường nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó. Có lúc điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện” – ông Nguyễn Tiến Thỏa nói và cho hay, việc này dẫn đến sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.
Theo chuyên gia, số liệu mới nhất 2 năm 2022-2023, cách điều hành như vậy đã gây lỗ cho ngành điện khoảng 47.500 tỉ đồng. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện.
Ông dẫn chứng giá điện không chỉ bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau – bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt với sản xuất mà bù chéo giữa các vùng miền với nhau. “Giá điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000-9.000 đồng/kWh, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000/kWh, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao…”- ông Thỏa dẫn chứng.
Theo ông, phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Điều này Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cũng yêu cầu. Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản. Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia. Ở đây người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là đủ điện để dùng. Ông đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá.
“Cần tăng 10% nhưng mỗi lần tăng chỉ 1-2% thì có tăng 5 lần vẫn cứ lỗ. Cảm quan như thế nhưng lại dẫn dắt dư luận. Chính vì thế, những vấn đề về cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn” – vị chuyên gia kiến nghị.
Thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Xuân Hồi – chuyên gia kinh tế năng lượng – cho biết, trong khi giá điện của Việt Nam vẫn thực hiện đa mục tiêu, thì các nước trên thế giới đã tách bạch tương đối rõ. Thông thường cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần: Một là tính toán chi phí công suất mà chúng ta gọi là giá công suất (giá thuê bao); hai là chi phí điện năng, thuê bao xong rồi, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Đây thông thường là cách tiếp cận của các nước trên thế giới.
Nhìn lại hệ thống giá của Việt Nam, hiện nay cách tính theo giá bán lẻ điện bình quân, ông cho rằng, có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá. “Nếu không thể điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ngay thì tất cả các khía cạnh điều tiết cũng phải dần dần hướng đến thị trường” – vị chuyên gia lưu ý.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – muốn thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực. Trong việc bán điện và tính giá thì phải tăng tính cạnh tranh và tính thị trường. Tính thị trường ở đây có nhiều yếu tố như khi nào giá cả đầu vào biến động thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát, bỏ ngỏ 6 tháng 1 năm mới điều hành thì đó không phải là thị trường. Phải thị trường hơn trong cách điều hành.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/gia-dien-phai-minh-bach-thao-go-tat-ca-cac-rao-can-1382555.ldo