Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), bất động sản (BĐS) miền Tây Nam Bộ đang được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông.
Trên thực tế, miền Tây là một trong 7 vùng kinh tế lớn, với diện tích hơn 4 triệu ha, dân số hơn 19 triệu người, là vựa lúa, vựa lương thực, trái cây,… của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực này vẫn được đánh giá là “vùng trũng” của cả nước, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế thuần nông chậm chuyển đổi và nguồn nhân lực chưa đáp ứng.
Dù những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm đã được đầu tư. Hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không, các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn… đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn. Nhưng nhìn tổng thể, vẫn ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu.
Tính đến năm 2020, toàn vùng chỉ có 45 km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài cao tốc cả nước. Đến giữa năm 2022, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 91 km đường bộ cao tốc trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận nhiều quan tâm, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760 km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180 km đường cao tốc. Trong vòng 4 năm tới, khu vực này sẽ có thêm cầu Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối đôi bờ sông Hậu với tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn một (4 làn xe) với tổng chiều dài 171 km gồm các đoạn tuyến cao tốc Bến Lức – Trung Lương (40 km), Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh – Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (51 km).
“Những tuyến cao tốc trên ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế còn góp phần thúc đẩy, tạo “cú hích” cho thị trường BĐS các tỉnh khu vực miền Tây phát triển”, báo cáo của VARs nêu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng, thời gian qua, thị trường BĐS khu vực miền Tây phát triển tương đối ổn định, ít xảy ra tình trạng sốt ảo, mặt bằng giá thấp, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Trong khi đó, giá BĐS tại thành phố HCM và khu Đông thành phố, trong đó có Bình Dương, Đồng Nai… đã quá cao, quỹ đất gần như đã được lấp đầy.
Khi khoảng cách không còn là vấn đề cần cân nhắc, thì xu hướng dịch chuyển tới các thị trường mới lân cận – các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có quy hoạch bài bản với đầy đủ cơ sở hạ tầng tiện ích hiện đại, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là tất yếu.
Hơn thế nữa, với tầm nhìn quy hoạch và hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư, thu hút lượng lớn đầu tư về kinh doanh, dịch vụ từ trong và ngoài nước, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự tăng trưởng của du lịch thu hút lượng lớn dân cư cơ học đến, mật độ dân cư ngày càng tăng. Vì vậy nhu cầu về nhà ở ngày càng lớn.
“Đặc biệt là Cần Thơ, giá đất chưa bằng một nửa so với các thành phố tương đồng là Hải Phòng, Đà Nẵng”, ông Đính nhận định.
Hàng loạt các dự án trọng điểm đã được phê duyệt hoặc trong giai đoạn chuẩn bị và hoàn thiện thủ tục ban đầu sẽ khởi công trong thời gian tới và các dự án cao tốc trọng điểm đã, đang triển khai và hoàn thiện sẽ tạo nên tuyến cao tốc trục dọc miền Tây đi qua TP Cần Thơ. Ngoài ra, các dự án đường Vành đai phía Tây kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ĐBSCL như quốc lộ 91, quốc lộ 61C, quốc lộ 1 tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa TP với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Đặc biệt, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khi hoàn thành, kết nối với tuyến TP HCM – Trung Lương Mỹ Thuận, thời gian từ Sài Gòn về Tây Đô chỉ còn 2 tiếng.
Với số lượng dự án còn hạn chế, đặc biệt là dự án chung cư. Nhà đầu tư tham gia vào thị trường ở thời điểm này sẽ có lợi thế giá đầu vào có dư địa tăng mạnh cùng với động lực từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.