Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến những bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, …
Làng nghề thêu Quất Động có vị trí trung tâm của xã Quất Động, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp. Đây được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc Trung Nam là tiến sỹ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Khái, sống ở thế kỷ 17 tại làng Quất Động.
Lê Công Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).
Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này vô tình ông đã học được nghề thêu và ông đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên.
Bên cạnh đó, ông cũng dạy lại cách làm lọng cho người dân. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Một số tài liệu cho rằng trước khi Lê Công hành truyền dạy nghề thêu và làm lọng cho dân chúng, những nghề này đã tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, nó phát triển nhỏ lẻ, kỹ thuật khá đơn sơ, quanh quẩn với vài màu chỉ và chủ yếu phục vụ cho vua quan.
Sử sách cũ còn ghi lại ở đời Trần, vua quan ta đã dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, trước năm đi sứ của Lê Công Hành khoảng hơn 350 năm, vua Trần đã gửi tặng vua Nguyễn một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu (theo Từ Minh Thiện viết trong tập Thiên nam hành ký).
Tạp chí Heritage