MỹGấu đen đôi khi xâm nhập tổ đại bàng đầu trắng và đuổi hoặc ăn thịt chim non quá nhỏ để bay, đe dọa quần thể chim săn mồi này.
Một con gấu đen bị bắt quả tang ngủ ở nơi ít ai ngờ tới là tổ đại bàng đầu trắng. Các nhà nghiên cứu bắt gặp con gấu ngủ say khi khảo sát tổ đại bàng ở một căn cứ quân sự tại Alaska. Gấu đen (Ursus americanus) thỉnh thoảng tận dụng chiếc tổ do chim đại bàng xây. Hành vi xâm phạm này đang đe dọa đại bàng đầu trắng và chim non, theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ (FWS), Live Science hôm 26/7 đưa tin.
“Trong quá khứ, chỉ có vài tổ đại bàng bị gấu đen đột kích với kết quả xấu dành cho chủ chiếc tổ”, FWS chia sẻ trên Facebook. Những tai nạn như vậy thường dẫn tới sự biến mất của chim non.
Gấu thường ăn trứng và chim non trong tổ, theo Steve B. Lewis, nhà sinh vật học động vật hoang dã của FWS, người chỉ đạo khảo sát tổ ở căn cứ quân sự Joint Base Elmendorf-Richardson (JBER) phía nam Alaska. “Rất khó nói rõ có bao nhiêu con gấu xâm chiếm tổ đại bàng bởi chúng tôi không thể dành nhiều thời gian theo dõi chuyện gì xảy ra hay có camera ghi hình”, Lewis nói.
Trong khi khảo sát bằng trực thăng hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu phát hiện một con đại bàng đầu trắng cái (Haliaeetus leucocephalus) ấp trứng trong chiếc tổ sau đó bị con gấu mê ngủ xâm chiếm. Một tuần sau, quả trứng bị bỏ lại khi cả đại bàng cái và bạn tình bận rộn gần đó. Lewis và cộng sự không rõ nỗ lực ấp trứng thất bại hay đại bàng cái chỉ tạm thời ngừng ấp. Đại bàng đực thường thay đại bàng cái ủ ấm trứng, đặc biệt ở nơi lạnh giá như Alaska. Vì lý do đó, Lewis nghi ngờ chiếc tổ đã hỏng vào mùa xuân, rất lâu trước khi con gấu bò vào.
Đại bàng đầu trắng là loại chim săn mồi định cư lớn nhất Alaska và có sải cánh khoảng 2,3 m. Loài chim ăn thịt này xây tổ lớn nhất ở Bắc Mỹ, một số tổ có bề rộng 2,4 m và nặng hơn 1,8 tấn. Chiếc tổ khổng lồ có thể cung cấp nơi nghỉ ngơi an toàn cho gấu đen. Con gấu có thể tình cờ trèo lên cây và quyết định chợp mắt.
Mùi cá tỏa ra từ tổ cũng có khả năng hấp dẫn con gấu. Tổ đại bàng khá nhiều mùi bởi cá mà chim trưởng thành bắt cho con non đôi khi bị bỏ không. Theo Lewis, thức ăn đó thường không được ăn hết, bị giẫm đạp trong tổ và thối rữa. Gấu có khứu giác cực nhạy, vì vậy có lẽ con gấu bị thu hút bởi chiếc tổ đầy mùi”.
Đại bàng đầu trắng nằm trong danh mục loài nguy cấp ở Mỹ vào năm 1978 sau khi số lượng của chúng sụt giảm mạnh do phá hủy môi trường sống, săn bắt trái phép, thuốc trừ sâu và bẫy độc, theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Alaska (ADFG). Nhờ nỗ lực bảo vệ và theo dõi, chúng đang phục hồi.
An Khang (Theo Live Science)