Biên lợi nhuận của Garena Việt Nam thấp hơn 9 lần thống kê trung bình các công ty game thế giới liệu có bất thường?
Trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19, rất nhiều ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề do chính sách giãn cách xã hội nhằm chống dịch của chính phủ các nước. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ernst & Young Thụy Sĩ, ngành công nghiệp game lại chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có trong giai đoạn này. Mặc dù hiện tại, khi cuộc sống trở lại bình thường, giai đoạn bùng nổ đã qua đi nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành công nghiệp game vẫn ở mức đáng nể.
Thống kê của EY Parthenon cho thấy tỷ suất lợi nhuận trung bình của 26 công ty game hàng đầu thế giới trong năm 2020 là 24,9%. Con số này giảm xuống chỉ còn 23,5% trong năm 2021 và tại năm 2022 chỉ còn ghi nhận ở mức 18,1%.
Tại Việt Nam, thống kê về tỷ suất lợi nhuận của các công ty game chỉ đạt khoảng 2-5% chưa kể đến các dự án thua lỗ. So với trung bình tỷ suất lợi nhuận trong 26 công ty game hàng đầu thế giới phía trên, con số này thấp một cách kỳ lạ.
Thực tế, các công ty game tại Việt Nam chủ yếu phát hành game nước ngoài. Trong đó doanh nghiệp sẽ phải mua bản quyền game về phát hành và phải chịu một khoản phí phát hành tương đối cao. Những chi phí cho các hạng mục như: bản quyền, cổng thanh toán trung gian, chi phí marketing được các nhà phát hành đưa ra như lý do khiến gần như toàn bộ doanh thu ngành game bị bào mòn.
Lấy ví dụ thực tế nhất, Garena Việt Nam, nhà phát hành game đang sở hữu một loạt các tựa game ăn khách như: Liên quân Mobile, Free Fire, FIFA online… từng đạt kỷ lục doanh thu 6.900 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh với mức doanh thu tại năm 2017 trước đó, quy mô doanh thu của Garena đã tăng gấp 4 lần. Thế nhưng lợi nhuận mang về của đơn vị này lại có sự trồi sụt thất thường.
Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 143 tỷ đồng tại năm 2020 nhưng sau đó giảm tới 27% trong năm 2021 trước khi tăng trở lại lên 115 tỷ đồng tại năm 2022. Mức lợi nhuận tại năm 2022 tương đương biên lợi nhuận ròng chỉ đạt 2%. So sánh với biên lợi nhuận trung bình của nhóm các công ty game lớn trên thế giới mà EY Parthenon đã đưa ra thì chỉ bằng 1/9.
Tỷ suất lợi nhuận này liệu có phù hợp với một nhà phát hành game lớn tại thị trường game được đánh giá là vô cùng tiềm năng như Việt Nam? Theo số liệu từ Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, doanh thu ngành game Việt Nam năm 2022 đạt hơn 600 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm. Lượng người chơi game tại Việt Nam tính đến hết năm 2022 cũng chiếm tới 54,6 triệu người.
Tiền đã “chảy” đi đâu khi doanh thu của Garena Việt Nam hàng nghìn tỷ nhưng chỉ đóng thuế tương đương doanh thu 2 ngày?
Một điều đáng chú ý đó là quy mô vốn điều lệ của Garena Việt Nam tương đối “mỏng”. Công ty chỉ ghi nhận vốn điều lệ vỏn vẹn 9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hiện chiếm 553 tỷ đồng chủ yếu ghi nhận từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong vài năm vừa qua.
Dù với lượng vốn nhỏ nhưng quy mô doanh thu của Garena vẫn liên tục tăng trưởng theo từng năm, đạt 6.900 tỷ đồng tại năm 2022.
Thế nhưng, như đã nêu phía trên, quy mô doanh thu liên tục tăng trưởng, biên lợi nhuận của Garena lại vô cùng thấp, chỉ ở mức 2% tại năm 2022. Tương đương mỗi 100 đồng doanh thu chỉ mang về 2 đồng lợi nhuận.
Mức lợi nhuận rất thấp như vậy khiến Garena Việt Nam chỉ phải đóng lượng thuế chưa đến 26 tỷ đồng trong năm 2022 cho mức doanh thu 6.900 tỷ đồng mang về. Lượng thuế phải đóng chỉ tương đương số tiền mà Garena Việt Nam kiếm về trong 2 ngày.
Ai đang là người hưởng lợi từ doanh thu nghìn tỷ của Garena Việt Nam?
Thành phần cổ đông của Garena Việt Nam bao gồm: ông Mai Minh Huy sở hữu 69,5%, cổ đông nước ngoài sở hữu 30% và ông Lê Minh Trí sở hữu 0,5%. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty hiện đang là ông Vũ Chí Công (SN 1984). Cổ đông ngoại của Garena Việt Nam là Garena Vietnam Private Limited là công ty con của Tập đoàn Sea Limited (Singapore).
Những tựa game gắn liền với tên tuổi của Garena cũng đang được phát hành tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và mang về doanh thu rất lớn từ các thị trường này. Đơn cử như Liên Quân Mobile, tựa game được phát hành tại Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Liên Minh Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản… dưới nhiều tên gọi khác nhau như Arena of Valor, Penta Storm, Realm of Valor.
Theo thống kê của Sensor Tower, đơn vị cung cấp dữ liệu thị trường hàng đầu thế giới, doanh thu ước tính của Liên quân Mobile dưới tên gọi quốc tế Arena of Valor lên tới 140 triệu USD trong năm 2018, tương đương hơn 3.400 tỷ đồng. Mức doanh thu trên vẫn chưa bao gồm doanh thu tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Cần phải lưu ý rằng đây mới chỉ là mức doanh thu thống kê trước đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, quy định giãn cách tại nhiều quốc gia đã gián tiếp giúp doanh thu ngành công nghiệp game bùng nổ và Arena of Valor cũng không phải là ngoại lệ.
Hay như tựa game Garena Free Fire từng được phát hành từ năm 2017 cũng mang về lượng doanh thu rất lớn từ các thị trường ngoài Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mỹ Latinh. Thống kê của Sensor Tower cũng cho thấy doanh thu của tựa game này chỉ tính riêng ở thị trường Đông Nam Á trong năm 2022 đã lên tới 7,9 triệu USD, tương đương 192,3 tỷ đồng.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp có yếu tố liên quan đến nước ngoài đều có tình trạng liên tục mở rộng quy mô, kinh doanh thuận lợi, nhưng lại… liên tục báo lỗ hoặc lãi mỏng dạng “có như không”.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn… báo lỗ nặng. Đơn cử như công ty Airpay và Shopee, theo Bộ Tài chính, năm 2020 doanh thu doanh nghiệp tăng cao, mở rộng về quy mô, nhưng vẫn… báo lỗ. Điều này khiến mức độ đóng góp vào ngân sách Nhà nước bị hạn chế, theo đó 2 doanh nghiệp này chỉ nộp vài chục tỷ vào ngân sách Nhà nước.
“Kịch bản” mở rộng quy mô, doanh thu tăng nhưng “lỗ triền miên” khiến dư luận quan tâm nhất, không thể không kể đến Coca-Cola Việt Nam. Mặc dù hoạt động tại Việt Nam từ lâu, liên tục tăng trưởng, nhưng Coca-Cola Việt Nam thường xuyên báo lỗ. Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
“Chiêu chuyển giá” bằng cách mua nguyên liệu giá cao và trả chi phí bản quyền từ công ty mẹ cũng khiến một số doanh nghiệp có tên tuổi khác được nhắc nhiều trong các nghi án chuyển giá, trốn thuế như: Adidas, Pepsico hay gần nhất là Grab.
Nghi án về vấn đề chuyển giá, trốn thuế lại một lần nữa được nhắc đến với ngành công nghiệp game và các nhà phát hành game tại Việt Nam, với các “chiêu” tương tự là “giá mua bản quyền game” cao từ công ty mẹ.
Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong kỳ tới.