Lai lịch của Garena Việt Nam – nhà phát hành game online hàng đầu Việt Nam
Chỉ cần nhìn vào sự lớn mạnh và phát triển thần tốc của các công ty phát hành game online như: Valve, Tencent, hay Ubisoft là đủ hình dung ra tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp game, cũng như ngành công nghiệp thể thao điện tử (Esports). Các công ty này không chỉ kiếm doanh thu từ trò chơi của mình, mà tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận thông qua các sản phẩm ăn theo từ trò chơi đó. Esports trên thế giới đã trở thành ngành công nghiệp tỷ đô và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Tại Việt Nam, số liệu từ Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam cho thấy, doanh thu ngành game Việt Nam năm 2022 đạt hơn 600 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm, cùng với lượng người chơi lớn 54,6 triệu người chơi, thì Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng.
Nổi lên trong số những nhà phát hành game lớn nhất hiện nay là Garena Việt Nam, đang sở hữu những game ăn khách bậc nhất như: Liên quân Mobile, Free Fire, FIFA online… thậm chí còn xây dựng một nền tảng riêng để các người chơi có thể kết nối với nhau.
Cùng với đó, Garena Việt Nam cũng là nhà phát hành game online khá “chăm chút” cho việc xây dựng hình ảnh, mở các giải đấu, đầu tư cho các đội tuyển, game thủ, hỗ trợ từ đời sống, phát triển kỹ năng cá nhân, xây dựng hình ảnh cho các vận động viên với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Vì thế, nếu chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, số lượng người chơi các game của Garena đã lên đến hàng chục triệu người, từ trẻ đến trung niên.
Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, Công ty cổ phần giải trí và thể thao điện tử Việt Nam (hay được gọi là Garena Việt Nam), tiền thân là Công ty cổ phần Tin học Hoà Bình, được thành lập ngày 10/5/2011. Ban đầu, Garena Việt Nam chỉ có 3 cổ đông sáng lập gồm Lê Quang Trà; Mai Thanh Bình và Mai Thị Hoà. Tuy nhiên, cả ba cổ đông này đều đã chuyển nhượng.
Hiện tại, cơ cấu sở hữu Garena Việt Nam gồm ông Mai Minh Huy sở hữu 69,5%, cổ đông nước ngoài sở hữu 30% và ông Lê Minh Trí sở hữu 0,5%. Vốn điều lệ hiện tại của Garena đang ở mức 9 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty hiện đang là ông Vũ Chí Công (SN 1984).
Được biết, cổ đông ngoại của Garena Việt Nam là Garena Vietnam Private Limited là công ty con của Tập đoàn Sea Limited (Singapore). Hiện Sea Limited là một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp kinh doanh giải trí trực tuyến trên thế giới, với các game nổi tiếng tại Việt Nam như: Liên minh huyền thoại, Liên Quân Mobile, Free Fire hay FIFA Online…
Garena Việt Nam có doanh thu hàng nghìn tỷ, trung bình mỗi ngày kiếm 19 tỷ, nhưng chỉ đóng thuế chưa bằng tiền kiếm được trong 2 ngày
Nhờ thu hút lượng lớn người chơi game online, thu tiền thông qua bán các vật phẩm trong game, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, giải đấu… Garena Việt Nam đã đem về nguồn thu khổng lồ. Hiện cổng nạp thẻ cho các game thủ của Garena Việt Nam hiện tại đã liên kết và cho phép người dùng nạp tiền thông qua hàng loạt hình thức như: qua ví Shopeepay, thẻ Garena phát hành, thẻ nạp điện thoại của các nhà mạng, qua app ngân hàng qua iBanking hoặc qua thẻ Visa, Mastercard…
Theo tìm hiểu của Báo Nhà báo & Công luận, những năm qua, doanh thu của Garena Việt Nam liên tục tăng qua từng năm, đạt kỷ lục hơn 6.900 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương bình quân mỗi ngày thu gần 19 tỷ. Mức doanh thu này tăng 14% so với năm trước và gấp gần 4 lần thời điểm năm 2017. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lợi nhuận của Garena Việt Nam lại rất mỏng và trồi sụt thất thường.
Sau khi tăng vọt gấp gần 3 lần vào năm 2020 lên mức 143 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Garena Việt Nam đã quay đầu giảm 27% trong năm 2021. Đến năm 2022, lãi ròng của nhà phát hành game này tăng trở lại lên mức 115 tỷ đồng nhưng con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức kỷ lục năm 2020. Biên lợi nhuận ròng chỉ trên dưới 2% tức là 100 đồng doanh thu mới đổi lại 2 đồng lãi.
Trong quá khứ, Garena Việt Nam thậm chí còn bất ngờ báo lỗ vào năm 2014 bất chấp doanh thu tăng gấp 4 lần cùng kỳ lên 1.200 tỷ đồng. Năm đó cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trên nghìn tỷ. Giá vốn cao lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà phát hành game này bị bào mòn những năm qua.
Lợi nhuận mỏng khiến Garena Việt Nam đóng thuế rất ít. Năm 2022, dù doanh thu đến hơn 6.900 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng chưa đến 26 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, con số này thậm chí còn chưa bằng tiền thu trong 2 ngày. Tính chung 5 năm qua, số thuế TNDN mà nhà phát hành game này đã nộp còn chưa đến 111 tỷ đồng dù năm nào cũng thu hàng nghìn tỷ.
Trên thực tế, quy mô của Garena Việt Nam cũng không lớn, thậm chí có phần lép vế so với các doanh nghiệp cùng ngành như VNG (tên cũ Vinagame) dù doanh thu ngang ngửa. Với vốn điều lệ vỏn vẹn 9 tỷ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chủ yếu được “bồi đắp” bằng khoản lợi nhuận chưa phân phối. Đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức 553 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Garena Việt Nam cũng giảm mạnh trong năm ngoái xuống còn 579 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, doanh nghiệp không có nợ vay tài chính. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tổng nợ phải trả giảm mạnh sau khi lên cao kỷ lục vào năm 2020 (1.300 tỷ). Điều này khiến quy mô của doanh nghiệp này cũng bị thu hẹp, tổng tài sản đến cuối năm 2022 chỉ ở mức 1.132 tỷ đồng, giảm gần 31% so với cuối năm 2020.
Nhận định từ một số chuyên gia trong ngành cho thấy, đây là điều bất ngờ nhất khi nhìn vào kết quả kinh doanh của Garena Việt Nam khi thấy doanh thu và lợi nhuận chênh lệch “một trời một vực”. Đây là điều khá khó hiểu về một doanh nghiệp phát hành game ở quy mô như vậy khi chỉ đóng thuế chưa bằng tiền kiếm được trong 2 ngày.