Năm 2003 được nhớ đến như là cột mốc bước ra ánh sáng của những nhà làm phim xuất chúng nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Chỉ trong vòng một năm, lần lượt những Oasis của đạo diễn Lee Chang Dong, Memories Of Murders của Bong Joon Ho, Sympathy For Mr Vengeance của Park Chan Wook đã được ra đời và đều được xếp vào hàng ngũ kinh điển.
Và cũng trong năm 2003, thời điểm dòng phim kinh dị của châu Á là sân chơi của riêng người Nhật thì bỗng dưng một đại diện đến từ Hàn Quốc có tên A tale of two sisters (Câu chuyện hai chị em) xuất hiện, mang đến một làn gió mới, sâu sắc, giàu tính nghệ thuật, đưa dòng phim kinh dị thoát khỏi lối mòn của sự nông cạn, chỉ biết hù dọa.
Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Kim Jee-Woon, A tale of two sisters là một trong những tác phẩm kinh dị có tính thẩm mỹ cao nhất từ trước đến nay. Phim có kịch bản nhiều lớp lang, được thể hiện qua thứ ngôn ngữ điện ảnh chậm rãi, căn chỉnh thời điểm cao trào, hù dọa thật đắt giá, hài hòa kết hợp với yếu tố màu sắc, bối cảnh, âm nhạc và các chi tiết ẩn dụ.
Mọi yếu tố tổng hòa, hoàn thiện nên một tác phẩm đầy tính duy mỹ, mang đến cho người xem nỗi sợ có nhiều tầng lớp, từ âu lo, hoảng loạn cho đến day dứt, ám ảnh. Những ai miễn nhiễm với sợ hãi lại cho biết câu chuyện bi kịch về hai chị em trong A tale of two sisters đã để lại trong họ nỗi buồn thê lương và dai dẳng.
A tale of two sisters có thể coi là tác phẩm nghệ thuật “trăm năm có một” của đạo diễn Kim Jee-Woon và điện ảnh Hàn Quốc. Cho đến nay, tức 21 năm sau ngày ra mắt, vẫn chưa ai có thể bắt chước hay tạo ra bộ phim tiệm cận tầm vóc của tác phẩm kinh điển này.
Đông đảo khán giả Việt Nam không quản nắng gắt đã đến Nhà hát TP.HCM đúng 14h ngày 9/4 để thưởng thức bộ phim. Điều đó cho thấy sức hút của A tale of two sisters vẫn còn nguyên vẹn.
Sau buổi chiếu là phần giao lưu, đạo diễn Kim Jee-Woon, nay đã gần 60 tuổi, vẫn giữ được phong độ và nguồn năng lượng nhiệt huyết, đã có cuộc trò chuyện đầy sôi nổi với khán giả.
Đạo diễn người Hàn nói rằng ông không đủ dũng cảm để xem lại bộ phim của mình. “Tôi sợ phải nhìn thấy những điểm mà đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn, tôi lo rằng nếu xem lại tác phẩm tôi sẽ dễ chìm vào sự luyến tiếc, hối hận. Vì lẽ đó, tôi rất ít khi xem lại tác phẩm do mình làm ra”, ông chia sẻ.
Về quá trình tạo ra A tale of two sisters, đạo diễn Kim cho biết ông muốn khai phá tính thẩm mỹ, tìm kiếm một vẻ đẹp tươi mới chưa ai từng thấy. Dựa trên một câu chuyện buồn và từ những hình ảnh có sức khơi gợi nỗi buồn bắt gặp trong đời thường, ông đã tạo nên một đường dây cảm xúc xuyên suốt bộ phim. Theo ông, ngôn ngữ của dòng phim kinh dị là phương thức biểu đạt nội tâm nhân vật chính của câu chuyện một cách trực quan, hiệu quả nhất.
Ông cũng khuyến khích các bạn trẻ đang theo đuổi điện ảnh hãy dồn hết tâm huyết vào đam mê, tìm kiếm một câu chuyện thú vị và nghĩ mọi cách để đưa nó lên phim. Ý tưởng làm ra A tale of two sisters đến với Kim Jee-Woon từ thời trên ghế đại học, sau khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết. Mong muốn làm ra một bộ phim kinh dị đẹp và buồn đã trở thành động lực chính để ông dồn toàn tâm toàn ý, nỗ lực hết mình trong nhiều năm để hiện thực hóa.