Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 72%
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sau khi xuất khẩu gạo đạt liên tiếp trên 1 triệu tấn/tháng trong tháng 3 và tháng 4, trong các tháng gần đây đã chững lại ở mức trên dưới 800.000 tấn/tháng. Tính chung 9 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 6,96 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 4,35 tỉ USD, tăng 23%.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, kim ngạch 4,3 tỉ USD. (Ảnh: N.N) |
Trong 9 tháng qua, gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với 5,06 triệu tấn, chiếm 73% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 241.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng liên quan đến mặt hàng gạo, ngày 23/10, Công ty nhà nước của Chính phủ Indonesia, Perushaan Umum (Perum)- đơn vị được Bulog uỷ quyền đã phát đi thông báo số PU-11/DP000/PD.04.01/10/2024 về huỷ đấu thầu nhập khẩu gạo 2024.
Thông báo viết “Căn cứ thư mời thầu số: PU-10/DP000/DP.04.01/10/2024 ngày 22-10-2024, chúng tôi xin thông báo cuộc đấu thầu đã bị huỷ”.
Trước đó, Bulog phát hành mời thầu đến các nhà xuất khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Pakistan để mua 340.000 tấn gạo 5% tấm, điều kiện là gạo được sản xuất trong năm 2024 và xay xát không quá 6 tháng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm nộp giá chào thầu đến ngày 30/10/2024, trong đó, 3 doanh nghiệp có giá thấp nhất sẽ được Bulog đưa vào vòng đàm phán tiếp theo (đàm phán kín) nhằm tiếp tục thương lượng về giá (hình thức này cũng đã được áp dụng trong các lần đấu thầu trước đó).
Thông báo mời thầu trước đó của Bulog cũng xác định thời gian giao hàng là từ tháng 11 đến 12/2024. Được biết, đây là lần thứ 9 trong năm 2024 Bulog mời thầu nhập khẩu gạo quốc tế, nhưng ở lần thứ 9 đã bị huỷ bỏ.
Trước đó, trong phiên mở thầu nhập khẩu gạo lần thứ 8 diễn ra vào ngày 25/9, Bulog mua 450.000 tấn gạo từ Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Thái Lan. Trong đó, Việt Nam trúng thầu bán 59.000 tấn.
Hiện tại vẫn chưa rõ lý do Indonesia huỷ bỏ đấu thầu mua 340.000 tấn gạo, nhưng một số thông tin không chính thức dự đoán khả năng Indonesia đã đàm phán và đạt thoả thuận mua với giá tốt từ nguồn gạo của Ấn Độ.
Được biết, năm 2024, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 3,6 triệu tấn gạo nhằm bổ sung cho tiêu dùng nội địa, bởi thời tiết bất lợi có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gạo được sản xuất trong nước.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Một vấn đề khác cũng liên quan đến gạo Việt đó là Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nay, qua 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, kim ngạch 4,3 tỉ USD, và tốc độ tăng trưởng 9 tháng so với năm 2003 tăng 23%. Có thể nói, đến thời điểm này xuất khẩu gạo khá khả quan. Tuy nhiên, với động thái của Ấn Độ gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo thì chắc chắn giá xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp, hiệp hội đã theo dõi sát sao động thái này để không bị động.
Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh: Hiện chúng ta đang thực hiện chủ trương chuyển sang các loại gạo chất lượng cao, gạo có tính đặc thù như gạo thơm. Điều này đã giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm, không bị đụng hàng với các loại gạo Ấn Độ xuất khẩu và hạn chế được khả năng bị ảnh hưởng.
“Về các chính sách của Ấn Độ là sẽ có tác động, nhưng không phải quá e ngại”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá và cho hay, tuần trước Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng lúa gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu.
Vì vậy, các giải pháp đưa ra để xây dựng thương hiệu riêng, đặc trưng cho gạo Việt Nam, là doanh nghiệp Việt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao… Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, đây là những giải pháp mà chúng ta có thể yên tâm để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước khác.
Nguồn: https://congthuong.vn/gao-viet-doi-dien-voi-nhung-con-song-nhe-354373.html