Gắn du lịch tâm linh với bảo tồn văn hóa, lịch sử

Việt NamViệt Nam12/02/2025


YênBái - Những năm gần đây, Yên Bái đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch tâm linh cũng đang trở thành xu hướng phát triển trên địa bàn tỉnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sự phát triển này không chỉ góp phần tôn vinh các giá trị tâm linh mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc.

Lễ hội đình Mường A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.
Lễ hội đình Mường A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.

>>Thành phố Yên Bái phát huy loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
>>Thành phố Yên Bái bảo đảm an toàn cho du lịch tâm linh

Toàn tỉnh hiện có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử mang đậm yếu tố tâm linh. Nổi bật như đền Đông Cuông, huyện Văn Yên - một trong những đền thờ Mẫu linh thiêng tại khu vực miền Bắc. Đây không chỉ là nơi gắn kết với đời sống tâm linh của người dân trong tỉnh mà còn thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. 

Cùng với đền Đông Cuông, tỉnh còn nổi tiếng với các di tích văn hóa tâm linh như: chùa Tùng Lâm (Ngọc Am), đền Mẫu Thác Bà, quần thể đình, đền, chùa Vạn Thắng… Đây là những địa danh gắn liền với truyền thuyết và lịch sử văn hóa dài lâu. Những nơi này đem đến không chỉ giá trị về tâm linh mà còn mãn nhãn với cảnh quan hữu tình. Hiện tại, du lịch tâm linh không đơn thuần là hoạt động thờ cúng, chiêm bái mà còn là cầu nối giúp khách du lịch tìm hiểu sâu hơn về phong tục, truyền thống và đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Do đó, những lễ hội như: lễ hội Xên Mường của người Thái Mường Lò, nghi thức lễ Then của người Tày, lễ hội Gầu tào của người Mông… ngày càng được các địa phương tổ chức thường xuyên, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị về tín ngưỡng, văn hóa thông qua thực hành các nghi lễ. 

Để gắn kết giữa du lịch tâm linh và bảo tồn văn hóa, lịch sử, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: phục dựng và bảo tồn các nghi lễ, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc; triển khai xây dựng các chùa Tùng Lâm, Minh Pháp, Linh Long… thành "Chùa cảnh văn hóa”; xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng với các điểm đến là đền Tuần Quán, đền và chùa Bách Lẫm, chùa Tùng Lâm, đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn; xây dựng các chương trình du lịch văn hóa kết hợp với trải nghiệm tâm linh tại một số địa phương… Các chương trình này đã mang lại trải nghiệm sâu sắc cho du khách, đồng thời tạo cơ hội để quảng bá và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đơn cử, khi đến thăm đền Đông Cuông, du khách không chỉ được tham gia vào các nghi lễ thờ cúng mà còn có cơ hội tìm hiểu về ẩm thực, tín ngưỡng, văn hóa, các sản phẩm thủ công truyền thống của người dân địa phương. Đây chính là cách biến du lịch tâm linh thành cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp văn hóa dân tộc được lưu truyền và phát triển. 

Chị Nguyễn Thị Hằng - du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: "Tham gia tour du lịch tâm linh tại Yên Bái đã giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa, lịch sử của các vùng đất và đồng bào các dân tộc. Đồng thời, được ngắm nhiều cảnh đẹp đã giúp tôi có thêm nhiều năng lực tích cực, trong lòng cảm thấy bình yên, thư thái, thêm yêu đời, yêu cuộc sống!”.

Dù có nhiều tiềm năng, song việc phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh hiện cũng đối mặt với không ít thách thức như: sự gia tăng lượng du khách có thể gây áp lực lên các di tích, đồng thời làm xói mòn các giá trị truyền thống nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp; việc quy hoạch du lịch chưa hợp lý cũng có thể dẫn đến tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi tính thiêng liêng của các địa danh tâm linh… 

Để khắc phục những thách thức này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: xây dựng kế hoạch phát triển bền vững, trong đó ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu sâu sắc về lịch sử và văn hóa địa phương để truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến du khách; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như hệ thống giao thông, dịch vụ lưu trú và tiện ích hỗ trợ để nâng cao trải nghiệm của du khách mà không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan; triển khai các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của du lịch tâm linh trong việc bảo tồn văn hóa… 

Với những bước đi đúng đắn, tin tưởng, loại hình du lịch tâm linh sẽ ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, sớm đưa Yên Bái trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực Tây Bắc.

Hồng Oanh



Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/16/345869/Gan-du-lich-tam-linh-voi-bao-ton-van-hoa-lich-su.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available