Gần 70% du học sinh Việt Nam ở Mỹ theo đuổi các chương trình ở bậc đại học, theo Văn phòng Giáo dục, Đại sứ quán Mỹ.
Triển lãm giáo dục Mỹ chiều 4/10 tại Hà Nội có đại diện của 60 trường đại học và cao đẳng, thu hút khoảng 800 người tham dự. Khán phòng, hành lang và phòng cung cấp thông tin về thị thực chật kín học sinh, phụ huynh tới tìm hiểu thông tin. Nhiều đoàn học sinh ở xa như Sơn Tây (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa có mặt từ sớm.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết năm 2022 có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Trong đó, hơn 20.700 theo bậc đại học (cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ), chiếm tỷ lệ gần 70%.
“Việt Nam là quốc gia có số du học sinh lớn thứ năm ở Mỹ. Đại dịch đã khiến nhiều sinh viên Việt Nam phải về nước nhưng số học sinh đang tăng trở lại”, ông Knapper nói. Ông cho biết các trường rất quan tâm và đã công bố nhiều học bổng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên Việt Nam.
Theo Văn phòng Giáo dục Mỹ, trong hơn 20.700 người, khoảng 15% theo các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, gần 70% học cao đẳng và đại học, còn lại là du học sinh diện OPT (ở lại làm việc hai năm sau tốt nghiệp) hoặc theo các chương trình không cấp bằng.
Tỷ lệ gần 70% du học sinh Việt ở Mỹ chọn cao đẳng và đại học tương tự các năm trước. Đây là điểm khác biệt giữa du học sinh Việt Nam với một số nước ở Đông Nam Á, chẳng hạn, sinh viên Thái Lan sang Mỹ chủ yếu để theo các khóa sau đại học.
“Nếu tính riêng sinh viên quốc tế theo học cao đẳng cộng đồng, Việt Nam chỉ sau Trung Quốc”, cơ quan này cho biết thêm.
Những ngành học được học sinh và phụ huynh Việt Nam quan tâm là STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và Quản trị kinh doanh, chiếm gần 70%. Ngoài ra, một số ngành mới nổi thu hút đông sinh viên ở bậc đại học là Thiết kế đồ họa, Nghệ thuật, Điều dưỡng; ở cao học gồm Sức khỏe công cộng, Y tế công cộng, Quản lý chuỗi cung ứng…
Khi tìm hiểu về du học Mỹ, mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh và học sinh Việt Nam là chọn ngành, trường học. Theo Văn phòng Giáo dục Mỹ, quốc gia này có hơn 4.500 trường đại học, cao đẳng, trong khi học sinh ít được tư vấn về ngành học nên thường bối rối. Các gia đình cũng quan tâm tới chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng.
Tới dự triển lãm cùng con, chị Vũ Thị Nhài ở Hà Nội muốn hỏi thông tin về ngành học, thứ hạng của trường, học bổng và điều kiện sinh hoạt. Con trai chị Nhàn hiện học lớp 12, trường THPT Kim Liên, dự định học ngành Kỹ thuật Máy tính tại các trường top 30-50 của Mỹ. Nam sinh và mẹ có mặt tại sự kiện để gặp trực tiếp đại diện các trường.
“Nghe chia sẻ về ngành học, con cảm thấy phù hợp và ưng một số trường, cả những trường không có trong dự kiến”, chị Nhài chia sẻ. Theo chị, vì chuẩn bị sớm, nam sinh đã có IELTS 8.0, SAT 1510/1600, điểm trung bình học tập trên 9 để chuẩn bị nộp hồ sơ kỳ xét tuyển sớm. Có khả năng chi trả khoảng 30.000 USD/năm nhưng gia đình chị Nhài vẫn hy vọng con giành được học bổng càng cao càng tốt.
Bước ra từ quầy thông tin của College of Southern Nevada, Ngô Việt Minh Trang, lớp 10 chuyên Anh, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, cùng nhóm bạn hào hứng trao đổi về ngành học, học phí và điều kiện đầu vào của trường. Trang quan tâm ngành Kinh tế và Marketing.
Trang nói học phí của trường hợp lý, khoảng 12.000 USD/năm; yêu cầu đầu vào cũng không khắt khe lắm với IELTS 6.0 và không cần bài luận.
“Tham dự sự kiện này, em rõ hơn cần bổ sung SAT, các hoạt động ngoại khóa và đặt mục tiêu GPA từ 9.0 trở lên để tăng cơ hội được nhận học bổng”, Trang cho biết.
Triển lãm giáo dục là hoạt động thường niên của Đại sứ quán Mỹ. Đây là nơi học sinh, phụ huynh gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đại diện các trường; tìm hiểu về chương trình học cũng như chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng.
Hiện là thời điểm xét tuyển đại học ở Mỹ. Kỳ tuyển sinh sớm đầu tiên Early Decision (ED) có hạn chót thường rơi vào ngày 1/11 hoặc 15/11. Ứng viên nhận thông báo kết quả vào đầu hoặc giữa tháng 12.
Bình Minh
Vnexpress.net