Số học sinh Hà Nội được miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ năm nay là gần 16.000 – mức cao nhất kể từ năm 2019.
Theo thống kê công bố hôm 25/5 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số học sinh được miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ của thành phố tăng liên tiếp. Năm 2019, khoảng 5.000 học sinh thuộc diện này, sau bốn năm, con số tăng lên 15.991.
Riêng năm nay, số học sinh được miễn thi Ngoại ngữ chiếm khoảng 16% tổng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc) nếu là thành viên đội tuyển quốc gia thi Olympic quốc tế, hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày 27/6.
Trong đó, với Tiếng Anh – môn thi gần 90% thí sinh tham dự ở kỳ thi tốt nghiệp hàng năm, từ 4.0 IELTS được tính là điểm 10 thi tốt nghiệp. Với các ngoại ngữ khác, quy định về chứng chỉ quy đổi như sau:
Hàng năm, hàng chục nghìn thí sinh được miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ. TP HCM mỗi năm có khoảng 6.000-8.000 em, một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, số học sinh thuộc diện này dao động vài trăm. Trong đó, phần lớn có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.
Việc quy đổi từ 4.0 IELTS thành điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ từng gây tranh cãi. Nhiều nhà chuyên môn nói việc quy đổi có căn cứ, dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, song nhiều giáo viên nói không hợp lý vì tính chất đề thi tốt nghiệp và IELTS khác nhau.
Tuy nhiên, hầu hết đồng tình rằng rất hiếm thí sinh thi IELTS để lấy 4.0 nhằm miễn thi tốt nghiệp, đa phần dùng để xét tuyển đại học và du học.
Mùa tuyển sinh năm nay, khoảng 100 trường đại học dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường thường quy đổi điểm chứng chỉ, rồi kết hợp với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thông thường, thí sinh có 5.5 IELTS trở lên được xét tương đương 8-10 điểm môn Tiếng Anh. Do đó, việc tính điểm 10 tốt nghiệp cho thí sinh đạt 4.0 IELTS gần như không gây ra bất bình đẳng trong xét tuyển đại học.
Thanh Hằng