Mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, chia sẻ kết quả thúc đẩy bình đẳng giới, đề xuất giải pháp lồng ghép giới hiệu quả, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì hội thảo.
4 nội dung, 8 mục tiêu của Dự án 8
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021- 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Dự án 8.
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án) là một trong 10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Dự án do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Dự án hoạt động với 4 nội dung:
Nội dung thứ nhất là tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Nội dung thứ 2 là xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Nội dung thứ 3 là đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Cuối cùng là trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới (LGG) cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng
Dự án 8 có mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em tại các địa phương đặc biệt khó khăn. Triển khai dự án, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã kịp thời bố trí nhân sự, chỉ đạo, điều hành thực hiện; thành lập Ban quản lý dự án. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện, hướng dẫn cơ sở triển khai các nội dung cụ thể.
Những kết quả bước đầu của nửa chặng đường thực hiện Dự án
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Sau nửa chặng đường hoạt động, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành đã lập Ban điều hành Dự án 8; 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ phân công 1 lãnh đạo Hội phụ trách và 1 ban đầu mối tham mưu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Dự án.
Sau 3 năm triển khai (từ 2021-2023), 40/40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 đã được cấp ngân sách Trung ương, đã ban hành kế hoạch thực hiện. Các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của Dự án giai đoạn 1 đã đạt được những kết quả tích cực với 4 nội dung trọng tâm liên quan đến các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”;
Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”; Triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, phối hợp xây dựng mô hình nhằm “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng, giám sát, phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”; Và triển khai các hoạt động về “Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng”…
Thời gian đầu triển khai, dự án vẫn gặp những vướng mắc về các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính, hướng dẫn nội dung triển khai, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện bình đẳng giới; phương thức đặc thù/hiệu quả truyền thông/giáo dục gia đình giải quyết những vấn đề như định kiến giới; thực tế với những vấn đề xã hội cấp thiết nảy sinh tiếp tục cần quan tâm giải quyết…).
Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá giữa kỳ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, việc triển khai Dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động hàng năm được thiết kế, triển khai bám sát yêu cầu định hướng của Dự án, vừa mang tính toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế. Tại địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã nỗ lực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành liên quan trong triển khai. Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Hầu hết các tỉnh, thành đều đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu cơ bản của Dự án trong giai đoạn I vào năm 2024.
Cụ thể, các cấp Hội thành lập, duy trì 7.623/9.000 Tổ truyền thông cộng đồng (đạt 84.7% chỉ tiêu giai đoạn 1)/61.685 thành viên là nam giới, nữ giới người có uy tín tại thôn/bản/ấp/buôn…
Hỗ trợ 184/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm (đạt 36.8% chỉ tiêu giai đoạn 1)/2.208 phụ nữ làm chủ/hoặc tham gia quản lý; thành lập, củng cố 1.462/1000 địa chỉ tin cậy (vượt chỉ tiêu giai đoạn 1), hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 12.971 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn dân tộc thiểu số…
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp với 250/480 cuộc cho 12.789 cán bộ huyện, xã (đạt 52.1% chỉ tiêu giai đoạn 1), 570/1600 cuộc tập huấn cho 35.604 trưởng thôn/bản/ấp/buôn, người có uy tín tại cộng đồng (đạt 35.6% chỉ tiêu giai đoạn 1)…
Đánh giá kết quả giữa Dự án, nhìn tới mục tiêu đến hết 2025, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đề nghị các bộ, ngành, địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp tục có các hoạt động chỉ đạo phối hợp thực hiện liên quan đến một số nội dung liên quan đến việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tế triển khai (một số quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách; vướng mắc về địa bàn, đối tượng và một số nội dung quy định về hoạt động chưa phù hợp với thực tiễn…); Chú trọng hướng dẫn cụ thể hóa các hoạt động, chỉ tiêu thực hiện lồng ghép giới và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong các dự án, tiểu Dự án cho bộ, ngành chủ trì; UBND các tỉnh/thành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, quy trình phối hợp lập và phê duyệt kế hoạch, ngân sách thực hiện Dự án;
Bà Tôn Ngọc Hạnh cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, chủ động trong tham mưu, phối hợp với các Sở ngành thực hiện Dự án hàng năm và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong chương trình; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án 8 và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình; đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thiện các chỉ tiêu của Dự án giai đoạn 1 theo đúng kế hoạch.