Qua các trò chơi, học sinh được gợi nhắc kiến thức lịch sử, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cách này hiệu quả hơn việc giảng dạy Lịch sử bằng sự kiện, con số khô khan.
Ngày 15/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức ngày hội cho học sinh tiểu học với chủ đề Em yêu sử Việt tại trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp. Đây là lần đầu Sở tổ chức hoạt động trải nghiệm quy mô lớn ở môn Lịch sử.
Với sự tham gia gần 1.000 học sinh tiểu học toàn thành phố, sân trường Lê Đức Thọ nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu với những bộ trang phục truyền thống. Sau khi xem tiết mục dân vũ, học sinh được tham quan các trạm, tìm hiểu từng thời kỳ lịch sử thông qua tranh ảnh, hiện vật.
Trạm đầu tiên có chủ đề thời kỳ dựng nước, tiếp đến là các triều đại trong lịch sử Việt Nam. Trạm ba đưa học sinh đến với các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cuối cùng là giai đoạn xây dựng đất nước sau khi hòa bình, thống nhất.
Mỗi trạm được trang trí, tạo hình công phu với 1-2 trò chơi như ném vòng, xé giấy ghép tranh, nhìn hình đoán tên di tích, sự kiện lịch sử. Sau khi tham quan các trạm, học sinh còn được xem phim hoạt hình như Con rồng cháu tiên, anh Kim Đồng… và tham gia cuộc thi rung chuông vàng.
Dậy sớm để tham gia ngày hội, Bảo Ngọc, học sinh trường Tiểu học Lê Anh Xuân, quận 7, hào hứng vì được tham gia phần thi dân vũ và rung chuông vàng.
“Dù hơi buồn vì rời sàn đấu từ câu hai nhưng em mong có thêm nhiều ngày hội lịch sử với nhiều trò chơi, tiết mục như thế này”, Bảo Ngọc nói.
Còn Lê Hoàng Phong, học sinh trường Tiểu học Sông Lô, quận Phú Nhuận, thích thú khi dừng lại ở trạm số ba. Những hang động gập ghềnh, đèn dầu lay lắt được bố trí, tái hiện thời kỳ quân ta “khoét núi ngủ hầm”, tạo nên chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động năm châu. Phong nói nán lại hồi lâu, say sưa đọc thông tin, hình ảnh về chiến dịch này.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói một trong năm phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra là yêu nước. Nhưng giảng dạy Lịch sử bằng sự kiện, con số khô khan thì khó truyền đạt tinh thần này. Ngược lại, thông qua những tiểu phẩm, hoạt cảnh tái hiện lịch sử hoặc trò chơi vận động thì học sinh sẽ hào hứng tìm hiểu.
“Thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm thế này, chúng tôi mong muốn thay đổi cách dạy và học, để học sinh hiểu thêm về truyền thống của dân tộc, từ đó hun đúc tình yêu quê hương, đất nước”, ông Hiếu nói.
Đây cũng là dịp giáo viên giao lưu, chia sẻ phương pháp dạy môn Lịch sử tốt hơn.
Lệ Nguyễn