FPT và HPG hồi phục, VN-Index tăng điểm trở lại trong phiên 11/2

Báo Đầu tưBáo Đầu tư11/02/2025

Nhiều cổ phiếu bị bán mạnh ở phiên hôm qua (10/2) đã có sự hồi phục đáng kể trở lại trong phiên 11/2. Sắc xanh đã trở lại sau phiên điều chỉnh đầu tuần.


Nhiều cổ phiếu bị bán mạnh ở phiên hôm qua (10/2) đã có sự hồi phục đáng kể trở lại trong phiên 11/2. Sắc xanh đã trở lại sau phiên điều chỉnh đầu tuần.

Sau phiên 10/2 đỏ lửa với khối lượng giao dịch tăng 31% và bằng 135% mức trung bình, bước sang phiên giao dịch sáng 11/2, thị trường có xu hướng phục hồi nhẹ, nhưng tâm lý thị trường vẫn duy trì sự thận trọng. Lực cung đã giảm bớt, giúp chỉ số chung mở cửa trong sắc xanh, dù biên độ tăng không quá mạnh. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò giữ nhịp cho thị trường, dù sự phân hóa vẫn khá rõ rệt. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chưa có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại. 

Sau phiên giảm sâu trước đó, thông tin chính thức về việc áp thuế quan mới của Mỹ được công bố đã phần nào xóa bỏ mối lo ngại phỏng đoán từ đó giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lực cầu xuất hiện trở lại ở nhiều nhóm ngành, giúp cân bằng trạng thái chung. Thanh khoản thị trường sáng nay có sự sụt giảm so với phiên trước, phản ánh sự dè dặt của cả bên mua và bên bán.

Sau giờ nghỉ trưa giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra tương đối tích cực, VN-Index duy trì sắc xanh trong cả thời gian giao dịch buổi chiều. Có thời điểm áp lực bán mạnh xuất hiện khiến VN-Index lùi về gần mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu cuối phiên dâng cao và góp phần đẩy VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,19 điểm (0,41%) lên 1.268,45 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,39%) lên 228,87 điểm. UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,03%) lên 96,66 điểm. Phiên hôm nay trên cả ba sàn giao dịch có 440 mã tăng, trong khi có 326 mã giảm và 799 mã đứng giá/không giao dịch. Toàn thị trường ghi nhận 31 mã tăng trần trong khi có 11 mã giảm sàn.

Nhóm ngân hàng vẫn có vai trò làm trụ đỡ tốt cho thị trường kể từ đầu phiên giao dịch. Trong đó, các mã như SHB, TPB, SSB, CTG, VIB, TCB, MBB, BID… đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, SHB tăng 1,9%, TPB tăng 1,5%, LPB tăng 1,2%.

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường lại tập trung vào hai cổ phiếu trụ cột bị bán mạnh hôm qua đó là FPT và HPG. Sau khi bị bán rất mạnh hôm qua, cả FPT và HPG đều hồi phục rất mạnh trở lại. Trong đó, HPG tăng đến gần 2,8%, FPT tăng 2,4%. FPT là mã tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,19 điểm, HPG cũng đóng góp 1,07 điểm.

 Tâm điểm của thị trường là sự hồi phục của hai cổ phiếu trụ cột bị bán mạnh phiên 10/2.

Dù vậy, sự phân hóa ở nhóm VN30 vẫn tương đối mạnh khi các cái tên như MWG, VRE, SAB, BCM… vẫn chìm trong sắc đỏ. MWG tiếp tục giảm đến 1,7% và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên với 56.400 đồng/cổ phiếu. MWG là mã có tác động tiêu cực lớn thứ 2 đối với VN-Index khi lấy đi 0,35 điểm. Trong khi đó, VCB là mã tác động tiêu cực nhất với 0,41 điểm. Chốt phiên giao dịch, VCB giảm 0,33%.

Các nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh trong phiên hôm qua thuộc nhóm xuất khẩu gồm, thép, dệt may, phân bón, hóa chất.. cũng có sự hồi phục nhất định. Tại nhóm thép, bên cạnh HPG thì NKG, VGS… cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu. Các cổ phiếu phân bón hóa chất như DDV, DCM, DPM, DGC, CSV… đồng loạt tăng giá tốt trở lại.

Tại nhóm khoáng sản, một số cổ phiếu tăng “nóng” trong vài phiên trở lại đây đã có sự điều chỉnh rất mạnh. MGC giảm gần 9,1%, MSR giảm 6,3%, AMC giảm 6,4%, BMC giảm 5,3%...

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 629 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 14.210 tỷ đồng, giảm 21% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.478 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt đạt 761 tỷ đồng và 648 tỷ đồng.

FPT đứng đầu về giá trị giao dịch toàn thị trường với 764 tỷ đồng. HPG và TPB giao dịch lần lượt 747 tỷ đồng và 723 tỷ đồng.

Khối ngoại có phiên bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị hơn 625 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã MWG với 115 tỷ đồng. VNM và SSI bị bán ròng lần lượt 97 tỷ đồng và 91 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG đứng đầu danh sách mua ròng với 61 tỷ đồng. MSN và BAF được mua ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 33 tỷ đồng.



Nguồn: https://baodautu.vn/fpt-va-hpg-hoi-phuc-vn-index-tang-diem-tro-lai-trong-phien-112-d245512.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available