Ứng dụng AI vào kiểm soát hóa đơn, năm 2024, ngành thuế xác định 79.000 doanh nghiệp phải kiểm tra về hóa đơn, hơn 4.400 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ, 501 doanh nghiệp bị điều tra và truy thu được hơn 4.700 tỷ đồng.
Tại hội thảo trực tuyến “Lưu ý khi rà soát rủi ro quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp - giá trị gia tăng - thu nhập cá nhân” năm 2024 diễn ra sáng 11/2, bà Lê Thị Thủy, CEO Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Bách Khoa, cho biết, năm 2024, Tổng cục Thuế đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào hoạt động kiểm soát hóa đơn điện tử, phân tích dữ liệu thuế của các doanh nghiệp.
Qua đó, phát hiện nhiều hóa đơn mua - bán cùng một mặt hàng, ngành hàng nhưng các đơn vị bán với giá bất thường, cơ quan thuế đã yêu cầu cung cấp hồ sơ giải trình. Nếu đơn vị không có hồ sơ hoặc không lên giải trình sẽ bị đưa vào danh sách rủi ro về thuế. Đơn vị nào sử dụng hóa đơn của những đơn vị bị đưa vào danh sách này cũng bị rủi ro.
“Với sự hỗ trợ của AI, ngành thuế có thể phân tích hóa đơn đến diện F5, F7... Nhờ vậy, năm 2024, ngành đã nhận diện 79.000 doanh nghiệp phải kiểm tra về hóa đơn, trên 4.400 doanh nghiệp đã không còn hoạt động tại địa chỉ, hơn 501 doanh nghiệp bị điều tra và truy thu được hơn 4.700 tỷ đồng”, bà Thủy thông tin.
Theo quy định hiện hành, hóa đơn hợp pháp phải đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định pháp luật. Tức là, hóa đơn phải đáp ứng các yêu cầu của Tổng cục Thuế về biểu mẫu; nội dung hóa đơn phải có đủ từ tên công ty, địa chỉ, mã số thuế, tên hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, đơn giá...
Trên thực tế, có rất nhiều hóa đơn tại thời điểm mua - bán hàng hóa, dịch vụ là hóa đơn hợp pháp, đã quyết toán rồi, nhưng sau này vẫn bị loại khỏi diện được khấu trừ thuế.
Bàn về câu chuyện này, bà Thủy cho hay: “Rất nhiều doanh nghiệp mua bán hàng hóa thật nhưng đầu vào lại không ký hợp đồng và hóa đơn với bên mua mà lại ký với một bên khác để hợp pháp hóa chứng từ.
Vài năm sau, những đơn vị ký hóa đơn bị cơ quan công an điều tra về việc mua bán hóa đơn hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh, dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp mua hàng vướng phải hóa đơn bất hợp pháp, không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào".
Theo Điều 15 Thông tư số 210 năm 2013 (được sửa đổi tại Thông tư số 26 năm 2015, Thông tư số 173 năm 2016), 2 điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào gồm:
Một là, có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Hai là, có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20 triệu đồng trở lên.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/truy-thu-hon-4-700-ty-dong-tien-thue-nho-ung-dung-ai-de-ra-soat-hoa-don-2370456.html
Bình luận (0)