Việc Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ là lời cảnh báo với mô hình đã giúp Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn 30 năm qua.
Hôm 17/8, China Evergrande Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Đây từng là một trong những hãng bất động sản thành công nhất Trung Quốc. Suốt nhiều thập kỷ, hãng này tích cực vay nợ để phát triển kinh doanh khi kinh tế trong nước bùng nổ. Nhu cầu nhà ở mạnh đến nỗi các hãng bất động sản thường xuyên mở bán trước căn hộ khi việc xây dựng còn chưa hoàn tất.
Tuy nhiên, 2 năm trước, việc chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách đã khiến các hãng địa ốc lao đao. Sự xuống dốc của Evergrande cũng bắt đầu từ thời điểm đó. Chính sách 3 lằn ranh đỏ được đưa ra nhằm kiềm chế bong bóng vay nợ, làm chậm lại đà tăng của giá nhà. Tuy nhiên, nó cũng khiến các hãng địa ốc mất đi nguồn vốn chủ chốt.
Evergrande, với khối nợ hơn 300 tỷ USD, vì thế không thể huy động tiền đủ nhanh để trả nợ. Việc hãng này vỡ nợ tháng 12/2021 đã châm ngòi cho sự hoảng loạn trên thị trường. Làn sóng vỡ nợ sau đó xuất hiện, với Kasia, Fantasia và Shimao Group, khiến thị trường bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Hàng chục dự án bị đình trệ, khiến nhiều người mua lâm vào cảnh không có nhà để ở và phải gánh khoản vay mua nhà khổng lồ.
Hiện tại, diễn biến tiếp theo khi Evergrande nỗ lực tái cấu trúc hàng tỷ USD nợ nước ngoài sẽ có ý nghĩa lớn với hệ thống tài chính Trung Quốc. Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 15, Luật bảo hộ phá sản Mỹ.
Động thái này sẽ giúp các công ty nước ngoài sử dụng luật phá sản của Mỹ để tái cấu trúc nợ. Quá trình này sẽ mất thời gian, do Evergrande hiện có 19 tỷ USD nợ ở nước ngoài. Trong tháng 8, Evergrande sẽ gặp các chủ nợ để thuyết phục họ đồng ý với kế hoạch tái cấu trúc.
Giới chuyên gia cho rằng khủng hoảng thanh khoản của Evergrande chỉ là sự bắt đầu cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Nó đang làm dấy lên lo ngại về tác động lan truyền với hệ thống tài chính. Đều này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang yếu đi do nhu cầu trong và ngoài nước yếu, hoạt động nhà máy trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp với người trẻ tăng cao.
Nhiều hãng địa ốc lớn của Trung Quốc đã vỡ nợ hai năm qua, do khó huy động tiền mặt và nhu cầu nhà ở đi xuống. Hiện tại, nhà đầu tư trên khắp thế giới đang thận trọng theo dõi Country Garden – một đại gia bất động sản khác của nước này.
Công ty này hiện có khoảng 300.000 nhân viên, đã lỡ hạn thanh toán lãi suất với hai lô trái phiếu và đang cân nhắc “nhiều biện pháp xử lý nợ”. Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s tuần trước hạ xếp hạng tín nhiệm của Country Garden, đánh giá khối nợ của công ty này “có rủi ro rất cao”.
Bất động sản là ngành quan trọng với kinh tế Trung Quốc. Ngành này đóng góp 30% hoạt động kinh tế cho đất nước. Hơn hai phần ba tài sản của các hộ gia đình ở thành thị gắn liền với bất động sản.
Tuy nhiên, gần 3 năm thực hiện chính sách Zero Covid đã siết tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Người tiêu dùng cũng ngần ngại mua nhà mới do tỷ lệ thất nghiệp cao và giá bất động sản giảm.
Sau thời kỳ tăng vọt đầu năm nay, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang chững lại. Giá tiêu dùng tháng trước lần đầu giảm trong hơn 2 năm. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ đang tăng nhanh. Doanh số bán lẻ, nhu cầu xuất khẩu và sản xuất tại nhà máy đều đi xuống.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh khó có khả năng cứu trợ các doanh nghiệp bất động sản. Đến nay, họ chỉ đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở và giải phóng thêm vốn để các hãng đi vay. Thời kỳ dùng ngân sách cứu trợ các ngành có lẽ đã chấm dứt.
“Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc như một cái hố đen. Quá nhiều hãng địa ốc đã bị kéo vào đó sau rắc rối của Evergrande 2 năm trước. Chính phủ đến nay vẫn chưa có biện pháp nào mạnh tay, vì cái hố này quá lớn, khó có thể lấp đầy”, CEO Winner Zone Asset Management cho biết trên Reuters.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)